December 20, 2022 | 10:35 GMT+7

Trồng 1 triệu ha lúa theo quy chuẩn “xanh”, giảm phát thải khí nhà kính

Chương Phượng -

Nhằm góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ, 1 triệu ha trồng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…

Trồng lúa phải giảm phát thải khí nhà kính.
Trồng lúa phải giảm phát thải khí nhà kính.

Chiều 19/12 tại UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

XÂY DỰNG QUY CHUẨN “XANH” CHO LÚA GẠO CHẤT LƯỢNG CAO

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng Đề án này cũng nằm trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hoàn thiện đề án, đây là lần thứ hai Bộ tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị

Theo Thứ trưởng Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, những năm gần đây sản lượng lúa của vùng đạt khoảng 24-25 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2010 – 2022 diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng sản lượng không giảm và có mức gia tăng đáng kể.

Ông Trần Thanh Nam nêu rõ quan điểm của Đề án: Xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dự những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.

 

"Vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long năng suất lúa đạt hơn 7tấn/ha, cao nhất trong khu vực ASEAN và trong top đầu của thế giới. Tuy nhiên, nếu muốn duy trì năng suất lúa lâu dài không suy giảm, cần chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa sang hướng bền vững và tăng trưởng xanh".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở bộ quy chuẩn này, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các hợp tác xã, trang trại sẽ tự nguyện xác định và đăng ký diện tích triển khai cụ thể tại từng địa bàn đã được quy hoạch đất sản xuất lúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thực hiện.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy chuẩn cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh hướng vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới, có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.

Thứ hai, áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…. Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường và giảm phát thải.

Thứ ba, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.

Thứ tư, các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…

Thứ năm, vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao phải được đầu tư phát triển bền vững, tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo, đồng thời ở những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ tạo ra những giá trị tăng thêm do góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo.

TRỒNG LÚA KHÔNG CHỈ LẤY GẠO, MÀ CÒN BÁN TÍN CHỈ CARBON

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay năm 2022, sản lượng lúa của tỉnh đạt 4,4 triệu tấn, trong đó có 97,32% là lúa chất lượng cao, lúa chuyên canh, bên cạnh đó, có 109 ngàn ha liên kết tiêu thụ, tất cả đạt tiêu chuẩn Global gap và lúa hữu cơ. Tỉnh Kiêm Giang mạnh dạn đăng ký sản xuất 200 nghìn ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.

 

"Cái chính của đề án là vấn đề tổ chức sản xuất gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, khó nhất của tổ chức lại sản xuất là ký kết với doanh nghiệp và HTX. Cần tổ chức tốt việc liên kết ngang và cần có cam kết của chính phủ, có chính sách riêng cho Đề án này".

PGS. TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp nông nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo các chuyên gia tại hội nghị, ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay nông dân trồng lúa chỉ hòa vốn hoặc lợi nhuân rất thấp. Do đó, ngay khi xây dựng đề án cần nhấn mạnh đến việc tăng thu nhập cho người trồng lúa. Hiện mới có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước là có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, để tạo nên sự khác biệt 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải nâng con số kia lên 100%.

Bà Lê Hoàng Đài Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Gavi, cho rằng nếu khai thác tốt 160 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp hằng năm sẽ có 40 triệu tấn phân bón hữu cơ. Điều này giúp giảm phát đáng kể thải khí nhà kính so với phân bón hóa học, giúp đất tơi xốp, giảm thiểu tác động đối với sức khỏe của người nông dân.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho biết trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông nghiệp, với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Bài học từ dự án VnSAT cho thấy việc áp dụng "1 phải 5 giảm" trong canh tác lúa có thể tăng năng suất lên 5%, tăng 28,6% lợi nhuận ròng, và giảm CO2e ở mức khoảng 8 tấn CO2/ha/năm.

"Chúng ta phải làm lúa chất lượng cao, phải tiết kiệm... nhưng phải đặt trọng tâm trong 5 năm tới, ngoài buôn bán lúa gạo thì đó là buôn bán carbon cũng là đóng góp chung cho Chính phủ", ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate