Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động làm 8.610 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).
Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 919 vụ, số người chết vì tai nạn lao động là 966 người, số người bị thương nặng là 1.897 người.
22,35 % TỔNG SỐ VỤ TAI NẠN LAO ĐÔNG CHẾT NGƯỜI
Về tình hình điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ, số biên bản nhận được chỉ chiếm 22,35 % tổng số vụ tai nạn lao động chết người.
Trong khi đó, tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp cũng còn thấp, năm 2020, chỉ có khoảng 5,47% doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động.
Lý giải về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc điều tra tai nạn lao động được quy định trong pháp luật về lao động và pháp luật về thanh tra nhưng truy tố lại thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp và có Bộ luật Hình sự quy định riêng. Do đó, khi cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ mới có thể khởi tố.
“Việc điều tra tai nạn lao động chỉ quyết định được nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là gì, vi phạm ra sao và biện pháp khắc phục để trên cơ sở đó quyết định mức độ bồi thường và chế độ cho người lao động”, ông Thắng nói.
Riêng trong năm 2020, qua thống kê trên cả nước có 24 vụ tai nạn lao động chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị khởi tố, trong đó số vụ đã khởi tố là 17 vụ.
TRUY TỐ CHỈ ĐỂ RĂN ĐE
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi không phải là truy tố mà để doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nhận thức được, có trách nhiệm cải thiện điều kiện lao động để giảm tai nạn lao động. Tôi cho rằng, truy tố chỉ là để răn đe cho nhiều doanh nghiệp chấp hành tuân thủ pháp luật tốt hơn”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động.
Liên quan đến việc thực hiện các chế độ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, ông Thắng thông tin thêm: Chính phủ đã ban hành Nghị định 88 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Theo đại diện Cục An toàn lao động, với nghị định này nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ. Chẳng hạn trước đây, việc hỗ trợ công tác huấn luyện an toàn lao động cho người lao động vừa bị khống chế tỷ lệ phần trăm vừa phải khống chế theo các định mức quy định của pháp luật, trong khi hai vấn đề này rất khó ràng buộc nên rất khó thực hiện.
Hiện nay, người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện, nhưng tối đa không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên.
Bên cạnh đó, không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế; không quá 600.000 đồng/người với đối tượng là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động...
Đây là hỗ trợ rất lớn giúp doanh nghiệp bớt khó khăn và để doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình. Đặc biệt đối với bệnh nghề nghiệp, ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp rất ngại khám phát hiện cho người lao động, bởi vì khi khám phát hiện, doanh nghiệp sẽ phải bồi thường, xử lý rất nhiều những chi phí tốn kém.
Dù mỗi năm có khoảng 8.000 vụ tai nạn lao động xảy ra, nhiều vụ trong số đó gây tai nạn lao động chết người, song trên thực tế, số vụ được điều tra truy tố còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ từ 3 - 5%.