Nhiều trụ ngân hàng chao đảo mạnh trong phiên chiều nay khiến VN-Index cũng liên tục đánh võng quanh tham chiếu. VCB, CTG cùng với SAB, VHM, VIC, MSN biến động mạnh những phút cuối. Điểm bất ngờ là mặc cho các cổ phiếu lớn “nắn” chỉ số, loạt mã nhóm đầu tư công, vật liệu xây dựng lại có phiên giao dịch thăng hoa.
HHV, LCG đã chớm kịch trần từ sáng và giao dịch mạnh mẽ, nhưng chiều nay thì VCG, FCN mới là tâm điểm. Lực cầu đổ xô vào VCG kéo giá mã này lên kịch trần lúc 1h40. Thanh khoản của VCG cũng 136% so với hôm qua, lọt vào nhóm 3 mã dẫn đầu thị trường với 296,9 tỷ đồng. FCN trễ hơn vài phút so với VCG nhưng cũng kịch trần với thanh khoản tăng 139%.
Không phải tất cả nhóm cổ phiếu có liên quan đến đầu tư công đều cực mạnh hôm nay, nhưng phần lớn là tăng tốt. Thêm nữa rất nhiều cổ phiếu đạt thanh khoản đột biến so với các phiên trước. Đà tăng lan tỏa ra cả các cổ phiếu vật liệu xây dựng, mà tiêu biểu là sắt thép, xi măng, đá. Nhóm thép tiêu biểu có HPG tăng 1,02%, HSG tăng 2,8%, NKG tăng 3,05%... Nhóm xi măng có BCC, BTS, HOM, HT1 kịch trần. Nhóm khai thác đá có KSB, DHA, C32, NNC... rất ấn tượng.
VN-Index kết phiên hôm nay giảm nhẹ 0,86 điểm tương đương 0,08%, nghĩa là vẫn giảm, nhưng độ rộng thì tốt: 210 mã tăng/174 mã giảm. Cuối phiên sáng HoSE chỉ có với 118 mã tăng/237 mã giảm, nghĩa là chiều nay cổ phiếu đảo chiều thành công khá nhiều.
Mặt tích cực là rõ ràng cổ phiếu vẫn đang có diễn tiến khác nhịp so với chỉ số, dù qua từng phiên số lượng không ổn định. Ví dụ các mã đầu tư công và vật liệu xây dựng vốn đã bùng nổ từ ngày đầu năm mới, nhưng sau đó suy yếu, đến hôm nay mới mới nóng trở lại. Mặt tiêu cực là nhóm này vốn hóa quá hạn chế, không thể thay đổi được trạng thái đi ngang của chỉ số đại diện.
Thậm chí, VN-Index đang gặp khó khăn nhiều hơn với các cổ phiếu blue-chips. VCB hôm nay xuất hiện những đợt xả rất mạnh, vài phút cuối đợt liên tục còn trượt qua tham chiếu. Kết phiên VCB tăng 0,46%, một mức đáng thất vọng so với đỉnh cao tăng 3,45% đầu phiên. CTG cũng biến động rất mạnh từ nửa sau phiên chiều và càng về cuối càng kém. Đợt ATC giá CTG bị ép mạnh giảm 1,89%.
VN30-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,06% dù độ rộng là 13 mã tăng/11 mã giảm. MSN giảm 1,14%, TCB giảm 1,08%, VPB giảm 0,8%, VHM giảm 0,9%, VIC giảm 0,91% là những mã có trọng số cao trong chỉ số này. Phía tăng chỉ có ACB tăng 1,52%, HPG tăng 1,02%, STB tăng 1,22% là đáng kể. Hiện tượng chốt lời ở nhóm blue-chips đang gây sức ép rõ ràng. Hàng loạt cổ phiếu biến động lớn về cuối phiên, như CTG đóng cửa giảm tới 2,22% so với mức đỉnh; SAB giảm 2,27%, SSI giảm 1,82%, MSN giảm 1,55%, FPT giảm 1,1%...
Thanh khoản hai sàn chiều nay tăng gần 28% so với buổi sáng, đạt 4.373 tỷ đồng. HoSE tăng giao dịch 29%, đạt 4.036 tỷ đồng. Dù có sức ép từ các trụ nhưng thanh khoản tăng cũng tác động tốt lên giá cổ phiếu. HoSE có 17 mã thanh khoản vượt trăm tỷ đồng thì 11 mã tăng giá, 4 mã giảm giá.
Khối ngoại cũng là điểm sáng hôm nay, nhưng phiên chiều có tín hiệu giảm mua. Cụ thể, khối này chỉ giải ngân thêm 770,5 tỷ đồng trên HoSE phiên chiều, giảm 4% so với buổi sáng và là diễn biến khác ngược thông lệ, bình thường phiên chiều là thời điểm khối này mua mạnh. Mặt khác, mức bán ra cũng tương đối cao với 532,2 tỷ đồng chiều nay. Tổng thể khối này vẫn là mua ròng 435,8 tỷ đồng, tập trung vào HPG +104,7 tỷ, VNM +37,3 tỷ, PVD +28,9 tỷ, STB +22,8 tỷ, KDH +19,8 tỷ, VCI +18,6 tỷ. Chứng chỉ quỹ có FUEVFVND +56,1 tỷ, E1VFVN30 +38,6 tỷ và FUESSVFL +38,2 tỷ đồng.
Quy mô khớp lệnh HoSE và HNX hôm nay tăng 9% so với phiên trước nhưng vẫn chỉ ở mặt bằng rất thấp, đạt gần 7.800 tỷ đồng. Thời điểm gần Tết giao dịch như vậy cũng không quá bất ngờ. Điều quan trọng là thị trường vẫn phân hóa và bình ổn. Các cơ hội đơn lẻ vẫn đang tạo hi vọng cho các nhà đầu tư.