Nhà đầu tư đã không còn mấy quan tâm đến biến động của chỉ số VN-Index nữa. Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào các cổ phiếu hàng hóa cơ bản. Những “ba chữ cái” dầu khí, phân, thép, than, khoáng sản... vang lên khắp mọi nơi.
Đây là điều tất yếu khi thị trường hàng hóa toàn cầu lên cơn sốt giá. Cung cầu và trừng phạt lẫn nhau càng khiến giá hàng hóa tăng mạnh hơn và sẽ rất khó để kìm hãm lại, vì động lực của sự trừng phạt sẽ không thể hạ nhiệt khi bất kỳ bên nào lùi bước coi như thất bại.
Thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bối cảnh rối ren. Chứng khoán châu Âu vừa mở cửa ngay trước khi thị trường Việt Nam kết thúc, đã chứng kiến loạt chỉ số rơi trên 3%. VN-Index cuối phiên cũng giảm nhiều hơn buổi sáng, để mất 6,28 điểm tương đương 0,42%.
Tuy vậy thị trường xấu hay không lại tùy thuộc danh mục nhà đầu tư nắm giữ. Về tổng thể, độ rộng sàn HoSE ghi nhận 207 mã tăng/256 mã giảm cũng không phải là quá xấu. Ngoài ra phía tăng trên 1% có 133 mã, số giảm trên 1% có 130 mã, xác suất là tương đương.
31 cổ phiếu tăng kịch trần trên sàn HoSE bao gồm một số cổ phiếu dầu khí, hóa chất, phân bón như PSH, PVD, DPM, DCM, BFC... cũng không phản ánh hết diễn biến độ nóng của những cổ phiếu hàng hóa cơ bản đang được quan tâm đặc biệt lúc này. Dòng tiền đang chọn cổ phiếu, bỏ qua xu hướng của chỉ số.
Nhóm cổ phiếu khoáng sản phiên hôm nay chứng kiến hàng chục mã tăng kịch trần. Rất nhiều mã nhóm này chưa niêm yết trên HoSE, nhưng chỉ số VNMaterial của sàn này cũng chứng kiến mức tăng 2,6%. Sàn UpCOM và HNX mới là “mỏ vàng” tăng giá nhờ biên độ lớn hơn HoSE nhiều. KCB, THT, TVD, HLC, TMB, MDC, TDN, TC6, NBC.... tăng hết biên độ và đều xấp xỉ 10% trở lên. Phần lớn các cổ phiếu than này đều có thanh khoản khá nhỏ, nên cường độ tăng giá càng thuận lợi.
Khả năng đáp ứng thanh khoản lớn nhất trong các nhóm cổ phiếu nóng lúc này vẫn là nhóm thép, dầu khí và phân bón hóa chất. Biên độ tăng tuy thấp hơn nhưng đây mới là chỗ để các nhà đầu tư lớn hoạt động tối đa công suất. Thực ra cũng có nhiều mã tăng rất mạnh như PVD, DPM, DCM hôm nay đều kịch trần, thanh khoản đều trên 300 tỷ đồng trở lên. Nhóm thép thì HPG giao dịch tới 1.975,8 tỷ đồng và giá tăng 2,61%, NKG khớp 725 tỷ giá tăng 3,38%, HSG khớp 659,5 tỷ, giá tăng 4,04%.
Nói chung sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra thì các công ty chứng khoán liên tiếp ra báo cáo khuyến nghị các nhóm cổ phiếu hưởng lợi. Hai tuần nay biến động giá cũng đã rất dễ nhìn. Do đó về cơ bản các nhà đầu tư đều biết được “ba chữ cái” cần thiết, điều còn lại là khẩu vị và quy mô vốn của từng người. Các nhà đầu tư tham gia với mức vốn thấp thì thường chọn những mã thanh khoản nhỏ và dễ kịch trần liên tục. Ngược lại, các nhà đầu tư lớn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, có thể chọn các cổ phiếu ưu tiên thanh khoản. HPG là ví dụ, hàng ngàn tỷ đồng giao dịch mỗi ngày nên quy mô vào và ra ở bất kỳ thời điểm nào hầu như phi rủi ro thanh khoản.
VN30-Index chốt phiên hôm nay giảm 1,06% và chri có 7 mã tăng/22 mã giảm. Nhóm này có tác động kéo VN-Index xuống với VHM giảm 2,18%, BID giảm 2,42%, MSN giảm 1,92%, SAB giảm 3,38%, CTG giảm 1,83%, ACB giảm 3,06%, VJC giảm 3,73%... Cả rổ VN30 có 21 mã giảm trên 1% lúc đóng cửa và mạnh hơn mức giảm ở chỉ số. Ngân hàng chiếm 5/10 mã giảm mạnh nhất rổ.
Do bị các trụ ép mạnh, VN-Index đóng cửa mất ngưỡng 1.500 điểm, chỉ còn 1.499,05 điểm. Thực ra chỉ số này bao nhiêu điểm lúc này không quá quan trọng, vì thị trường đang phân hóa gay gắt: Những nhóm cổ phiếu mạnh thì cực mạnh và ngược lại. Dòng tiền cũng đang dồn vào những cổ phiếu mạnh hơn thị trường, trong đó đặc biệt là nhóm hưởng lợi từ giá hàng hóa cơ bản tăng phi mã.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng đột biến bán ra ròng 1.473,3 tỷ đồng. Ngoài chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng 340 tỷ, rất nhiều cổ phiếu bị xả lớn như NLG, VHM, NVL trên 100 tỷ đồng ròng, VRE, VNM, AAA, HDB trên 80 tỷ ròng... Riêng cổ phiếu thuộc rổ VN30 hôm nay ghi nhận mức bán ròng 771,3 tỷ đồng.