Ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là cực kỳ rõ nét sáng nay. VIC rơi xuống đáy 55 tháng với mức giảm 3,61% là mã tiêu biểu, trong khi số mã giảm giá trong VN-Index nhiều gấp 4,6 lần số tăng. Số ít cổ phiếu đi ngược dòng vẫn chưa đủ sức mạnh thuyết phục.
Đà trượt giảm tăng tốc dần theo thời gian và VN-Index chốt phiên sáng giảm 1,26%, còn 1151,89 điểm ngay sát đáy thấp nhất đầu tháng 7 vừa qua. Trong khi đó VN30-Index giảm 1,23% và đã thủng đáy tháng 7 sang phiên thứ 3, phản ánh rõ nét sức ép từ các blue-chips.
Nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường xuất hiện nhiều mã ảnh hưởng nghiêm trọng. VIC giảm 3,61% là một sự tăng tốc đáng kể. Phiên giảm hôm nay đẩy VIC rơi xuống dưới ngưỡng 60.000 đồng, tương đương với đáy thấp nhất mà cổ phiếu này chạm tới trong giai đoạn phản ứng hoảng loạn với đại dịch Covid-19. Mức 58.800 đồng cũng là thấp nhất từ thời điểm đầu tháng 2/2018.
VHM giảm 3,14%, MSN giảm 3,16%, MWG giảm 2,68%, ACB giảm 1,79%, FPT giảm 1,12% thuộc nhóm giảm mạnh nhất và tác động lên chỉ số. Nhóm này khiến VN-Index mất 8 điểm trong tổng mức giảm 14,65 điểm.
Với độ rộng chỉ còn 75 mã tăng/348 mã giảm, không có bất kỳ nhóm cổ phiếu ngành nào đi ngược dòng được. Những cổ phiếu còn xanh chỉ mang tính cá biệt.
Tuy nhiên nhóm chứng khoán sáng nay có những phút khá huy hoàng, với nhiều cổ phiếu tăng giá. Hầu hết nhóm này đạt mức đỉnh trong khoảng 10h-10h15: SSI tăng cao nhất 1,79%, VND tăng 2,29%, VCI tăng 2,27%, HCM tăng 3,67%. Nhóm chứng khoán trên cả 3 sàn lúc rực rỡ nhất có tới trên hai chục mã tăng. Theo thời gian, áp lực bán ở nhóm này cũng mạnh dần và chỉ còn hơn chục mã tăng. Mức tăng ở các cổ phiếu lớn nhất cũng co lại: SSI còn tăng 0,51%, HCM tăng 1,74%, VND tăng 1,14%, VCI tăng 0,32%, SHS tăng 1,94%, MBS tăng 1,8%... Ngoài ra cũng có 20 cổ phiếu nhóm này đang đỏ. Điều đó cho thấy sức mạnh cũng không đồng đều trong nhóm cổ phiếu khỏe nhất sáng nay.
Thực ra trạng thái phân hóa tăng giảm đã không thể duy trì được. Các cổ phiếu đi ngược dòng không nên xem là tín hiệu đáng tin cậy. Trong 75 cổ phiếu còn xanh ở HoSE, chỉ lác đác vài mã là có thanh khoản khá tốt như HDC tăng 3,55% giao dịch 56,4 tỷ; CKG tăng 2,1% giao dịch 24,5 tỷ; HSG tăng 0,66% giao dịch 50,9 tỷ; CII tăng 0,51% giao dịch 40,8 tỷ.
Trong khi đó số giảm giá thì áp đảo. Thống kê cho thấy HoSE đang có 162 mã giảm từ 1% trở lên. Dù vậy cũng mới có 4 mã giảm sàn là DXS, SVC, TNC và GTA, đều có thanh khoản rất ít.
Diễn biến giao dịch sáng nay kém tích cực ngay từ đầu phiên khi độ rộng duy trì ưu thế tuyệt đối của phía giảm. Đáng chú ý là biên độ giảm giá ở cổ phiếu mở rộng dần, nghĩa là sức ép bán giá thấp đã gia tăng theo thời gian. Thanh khoản không tăng nhiều, tổng giá trị khớp ở HoSE chỉ đạt 4.147 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2% so với sáng hôm qua. Tính chung cả HNX, giao dịch tăng 1,7%. Mức giao dịch này thể hiện lực cầu yếu là điều quyết định, khiến nhà đầu tư muốn bán ra phải hạ giá xuống.
Diễn biến này phần nào thể hiện thị trường đã có phản ứng sớm với lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản. Hôm 26/9 thị trường có một phiên lao dốc mạnh và cầu bắt đáy tốt với tổng giao dịch 2 sàn niêm yết khoảng 19,4 ngàn tỷ và 784,2 triệu cổ phiếu. Hôm đó là điểm mua tốt duy nhất trong ngắn hạn, nên nguy cơ lượng hàng này bán ra là cao. Mức giảm giá sáng nay cũng triệt tiêu đáng kể lợi nhuận ở nhóm bắt đáy, thậm chí rất nhiều mã lỗ. Vì vậy áp lực bán ra không thể xem thường.
Diễn biến yếu trên thị trường sáng nay hoàn toàn bị điều tiết từ dòng vốn trong nước. Khối ngoại chỉ xả 257,3 tỷ đồng trên HoSE, chỉ chiếm 5,8% tổng giao dịch sàn này. Mức mua vào là 180,3 tỷ đồng. Như vậy khối này xả không đáng kể với 77 tỷ đồng ròng. VNM bị bán lớn nhất chỉ tới 29,6 tỷ, cổ phiếu duy nhất còn lại bị rút trên 10 tỷ là HAG. Phía mua có HPG +25,7 tỷ, VND +15,12 tỷ là đáng kể. Như vậy khối này bán ròng là trên số lượng, hơn là tập trung vào mã nào.