Áp lực bán nhẹ nhàng chiều nay không tạo quá nhiều sức ép, dù phần lớn cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 tụt giá so với phiên sáng. Các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng mạnh, nhưng các mã lớn vẫn là nhóm dẫn chỉ số đi lên.
Mặc dù tính từ đáy chỉ số VN-Index thì hôm nay mới là T2, nhưng nhiều cổ phiếu đã tạo đáy trước chỉ số. Hàng rẻ nhất tại đáy đã về đến tài khoản với biên lãi khá tốt, giờ là lúc nhà đầu tư thể hiện kỳ vọng.
VN-Index nhích cao hơn trong ít phút đầu phiên chiều, nhưng tổng thể cả buổi chiều chỉ số này đi ngang hẹp. Lực bán tạo vài biến động trồi sụt nhỏ, nhưng không làm thay đổi gì lớn tới xu hướng của chỉ số. Kết phiên VN-Index vẫn tăng 12,39 điểm tương đương 1,01% so với tham chiếu.
Điều tốt nhất vẫn là độ rộng tích cực được duy trì: HoSE có 272 mã tăng/177 mã giảm, hẹp hơn một chút so với thời điểm cuối phiên sáng. VN30-Index chịu tác động mạnh nhất từ áp lực chốt lời, chỉ số đại diện chỉ còn tăng 0,54%, trong khi cuối phiên sáng tăng 1,03%.
Thống kê cho thấy tới 20/30 cổ phiếu của rổ VN30 có giá đóng cửa thấp hơn giá chốt phiên sáng, chỉ 8 mã tăng cao hơn. Độ rộng cũng thay đổi xấu, chỉ còn 10 mã tăng/13 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng là 20 mã tăng/9 mã giảm. Như vậy một số cổ phiếu blue-chips đã đảo chiều đến mức tụt xuống dưới tham chiếu.
Các chỉ số, nhất là VN-Index, được giữ ổn định là nhờ sự luân phiên của các trụ. Các cổ phiếu tụt giảm đáng kể thì ảnh hưởng hạn chế, chẳng hạn VPB tụt mất 2,21% so với cuối phiên sáng và đóng cửa giảm 0,16% so với tham chiếu; VCB tụt thêm 0,13%, chốt giảm 0,79% so với tham chiếu; BID tụt 1,41%, còn tăng 1,31%; CTG tụt 1,3%, còn tăng 1,33%. Các mã như SSI, FPT, BVH, TPB đảo chiều khá mạnh và giảm hẳn dưới tham chiếu, nhưng ảnh hưởng không nhiều.
Ngược lại, trụ GAS bật mạnh hơn buổi sáng và đóng cửa tăng tổng cộng 4,06%. VHM được đẩy trở lại tham chiếu lúc đóng cửa, tức là phục hồi 1,36% so với giá buổi sáng. VIC cũng cải thiện 0,77% và trở lại tham chiếu. VNM cũng lên cao hơn, MSN, STB vẫn kịch trần.
Nhóm Midcap và Smallcap cũng có phiên chiều ổn định ở mức cao, các chỉ số đại diện tăng tương ứng 2,03% và 1,32%. HoSE ghi nhận 16 cổ phiếu tăng hết biên độ tới lúc đóng cửa, bao gồm nhiều mã cơ bản trung bình chứ không chỉ là các cổ phiếu đầu cơ, như DCM, VCI, DGW, SHB, VGC.
Thanh khoản phiên chiều đã sụt giảm đáng kể, hai sàn niêm yết chỉ khớp thêm 5.967 tỷ đồng, bằng 69% phiên sáng. Nếu nhìn thị trường từ góc độ phiên T+3 của nhiều cổ phiếu bắt đáy về tài khoản thì sự ổn định trên nền thanh khoản thấp là tín hiệu tốt.
Cũng như bất kỳ lần bắt đáy nào khác, việc cổ phiếu giá thấp nhất về tài khoản khiến nhà đầu tư phải lựa chọn: Hoặc giữ cổ phiếu lại nếu kỳ vọng cao hơn, hoặc chốt lời ngay nếu cho rằng thị trường đơn giản chỉ là hồi kỹ thuật ngắn hạn. Mặt khác nhà đầu tư muốn mua cũng sẽ chờ đợi mức giá thấp để đón lượng hàng ngắn hạn xả ra. Tình trạng giằng co với thanh khoản nhỏ là điều thường thấy ở vòng T+3 đầu tiên.
Với độ rộng phân hóa, thị trường đang cho thấy kỳ vọng khác nhau ở các nhóm cổ phiếu. Về tổng thể thì các mã ngân hàng, dầu khí, hóa chất phân bón hôm nay tăng khá đều, nhưng vẫn có những mã cùng ngành sụt giảm. Cổ phiếu chứng khoán thậm chí có SSI giảm tới 1,72% nhưng VCI kịch trần hay nhiều mã khác vẫn tăng mạnh. Dầu khí thì PVS, PVC giảm sâu, nhưng GAS, PVD, BSR vẫn mạnh.
Khối ngoại chiều nay cũng quay đầu mua ròng tốt, nhưng vẫn xả lớn ở vài mã cụ thể. SSI chiều nay bị bán ròng thêm 34,4 tỷ đồng nữa, nâng tổng mức bán ròng cả ngày lên 129,1 tỷ. Tổng lượng bán của khối này chiếm gần 25% thanh khoản ở SSI, là yếu tố quan trọng ép giá tụt mạnh. Phía mua ròng lại xuất hiện nhiều mã như GAS, VNM, KBC, VHC, GEX... Tổng thể riêng buổi chiều khối này mua ròng khoảng 280 tỷ đồng, giúp đảo ngược vị thế buổi sáng, thành mua ròng 171,6 tỷ đồng cả phiên.