Tại phiên chất vấn chiều 10/11, một số đại biểu Quốc hội nêu vấn đề, thời gian qua dư luận rất bất bình về trục lợi chính sách hỗ trợ và đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được tiến hành như thế nào?
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Vĩnh Phúc, đặt vấn đề đánh giá về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ), Nghị quyết 116 (chính sách hỗ trợ từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp), Nghị quyết 126 liên quan đã được ban hành khẩn trương để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, nhằm giảm bớt khó khăn và chia sẻ với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây hầu hết là những chính sách có tính chất tình thế, bởi vì khoảng 50% là chính sách hỗ trợ ngay tức thì, còn lại khoảng 50% là cho phép dài hơn. Qua 3 nhóm chính sách, đến nay đã giải ngân được khoảng 60.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 40 triệu lượt người và trên 500.000 người sử dụng lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, về cơ bản việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, song thừa nhận có hai vấn đề phát sinh, một là do tình hình giãn cách xã hội, hai là do số lượng người thụ hưởng lớn cùng một thời điểm, nên việc triển khai tại cơ sở cũng còn những điều tiếng này nọ.
“Một bộ phận người dân chậm được nhận, một số chưa nhận được, thậm chí có cả trường hợp phát nhầm, nhận nhầm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.
Về câu hỏi của Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn Hải Dương cho rằng việc triển khai chậm là do tiêu chuẩn cao, quy trình phức tạp, thiếu minh bạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận, đây là những chính sách chưa có tiền lệ và nhiều nội dung được quy định trong quy định pháp luật vượt thẩm quyền của Chính phủ.
“Do đó, anh em trong ngành cùng với các ngành chức năng làm ngày, làm đêm, cả thứ Bảy, Chủ Nhật với tinh thần "người dân đang đói thì đừng về nhà", nếu chúng ta để người dân đói là có tội với dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, tất cả các thủ tục, quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 là ở mức độ “không thể thông thoáng hơn được nữa”.
“Ví dụ như ở Nghị quyết 116 người lao động không cần kê khai gì, tự động bảo hiểm chuyển tiền vào tài khoản người được hưởng, doanh nghiệp cũng vậy, nên chỉ trong 5 ngày mà 363.000 doanh nghiệp được hưởng”, Bộ trưởng thông tin.
Mặc dù vậy, ông cũng không phủ nhận trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn có nơi này, nơi kia còn cứng nhắc, máy móc.
“Chỉ riêng việc hỗ trợ cho người F0, trẻ em tiền ăn là 80.000 đồng/ngày, có địa phương kiến nghị Bộ trưởng tới 3 trang giấy, toàn nêu vướng mắc. Về sau tôi phải báo cáo trước Quốc hội. Tôi phải nói thế này, đồng chí cứ làm đi, nếu như F0 và trẻ em ăn mà ai không thanh toán, tôi chịu trách nhiệm, bấy giờ địa phương mới cho thanh toán”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho hay tâm lý một số địa phương vẫn còn sợ sai, sợ trách nhiệm, việc này là có.
Trước lo ngại của Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Hưng Yên về việc trục lợi chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, khi xây dựng Nghị quyết 68, Quyết định 23, Quyết định 33, Nghị quyết 116, Nghị quyết 126, tất cả các chính sách này đều quy định rất rõ, phân công trách nhiệm cho người đứng đầu của đơn vị, địa phương.
Thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố. Kết quả cho đến nay đã tổng hợp lại toàn bộ tình hình thì có trục lợi ở một số địa phương đã xảy ra.
“Trong đó, gói Nghị quyết 42 phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, có những địa phương phải cách chức cả Bí thư, Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn Thanh niên, vì lý do là để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách.
Trong gói Nghị quyết 68 cũng có xử lý, thậm chí là khởi tố hình sự 2 trường hợp trục lợi chính sách rút tiền”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và nhìn nhận việc trục lợi là không tránh được. Tuy nhiên, về cơ bản các địa phương đã đảm bảo được công khai, minh bạch, đúng đối tượng.