Nhà chức trách Trung Quốc đang cân nhắc một gói hỗ trợ để ổn định thị trường chứng khoán đang trên đà sụt giảm mạnh của nước này - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg. Cân nhắc được đưa ra sau khi một số nỗ lực Bắc Kinh nhằm phục hồi niềm tin của nhà đầu tư không mang lại tác dụng, khiến Thủ tướng Lý Cường kêu gọi đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn.
Nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết các nhà hoạch định chính sách dự kiến huy động khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 278 tỷ USD, chủ yếu từ tài khoản ngoài Trung Quốc đại lục của các doanh nghiệp quốc doanh nước này. Số tiền này sẽ là một phần của một quỹ bình ổn để mua vào cổ phiếu tại đại lục thông qua kết nối giao dịch với thị trường Hồng Kông - nguồn tin cho hay. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đã phân bổ ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ vốn của các địa phương để mua cổ phiếu tại thị trường đại lục thông qua các công ty Tổng công ty Tài chính chứng khoán (CSFS) hoặc Central Huijin Investment Ltd., theo nguồn tin.
Cùng nguồn tin cho hay cơ quan chức năng đang cân nhắc các lựa chọn khác và có thể công bố ngay trong tuần này nếu được lãnh đạo cấp cao thông qua, và kế hoạch cũng có thể thay đổi.
Trong đợt sụt giảm của thị trường hồi năm 2015, Trung Quốc đã huy động CSFS giữ vai trò bình ổn chính, bằng cách cho phép đơn vị này tiếp cận tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ là vốn vay từ các nguồn gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và các ngân hàng thương mại. CSFS được dùng số tiền này để mua cổ phiếu trực tiếp và cung cấp thanh khoản cho các công ty chứng khoán.
Cân nhắc trên cho thấy mối lo ngại của nhà chức trách Trung Quốc đang gia tăng, khi xu hướng bán tháo đã đẩy chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán đại lục giảm xuống mức thấp nhất 5 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. Việc ổn định thị trường để cải thiện tâm lý cho nhà đầu tư chứng khoán cá nhân ở Trung Quốc - trong đó nhiều người đã chứng kiến tài sản giảm mạnh vì cuộc khủng hoảng bất động sản- cũng được xem là một nhân tố quan trọng để duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, không ai dám chắc các biện pháp mà Trung Quốc đang cân nhắc có đủ để chấm dứt tình trạng bán tháo hay không. Cuộc khủng hoảng bất động sản, niềm tin tiêu dùng giảm sút, vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, và niềm tin của doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu đang là những nhân tố gây áp lực giảm lên cả nền kinh tế và thị trường tài chính Trung Quốc.
Những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm bình ổn thị trường chứng khoán, nhất là vào năm 2015, thường không đạt hiệu quả như mong muốn và có cả những trường hợp phản tác dụng. Nhà chức trách đến nay cũng không muốn tung ra một gói kích cầu kinh tế lớn như hy vọng của giới đầu tư.
Một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào ngày thứ Hai do Thủ tướng Lý Cường chủ trì đã đánh giá về tình hình thị trường tài chính và đưa ra những cân nhắc cho công tác liên quan - một tuyên bố chính thức cho hay, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể nào về những cân nhắc đó.
“Có vẻ như họ đã chuẩn bị sẵn sàng để phản ứng với đợt giảm gần đây của thị trường chứng khoán. Thị trường đang tệ tới mức đủ để thu hút sự chú ý lớn của nhà chức trách. Trung Quốc không thể để cổ phiếu A tiếp tục giảm giá tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, nhà nghiên cứu Neo Wang của công ty Evercore ISI nhận xét.
Kể từ mức đỉnh thiết lập vào năm 2021 đến nay, các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã mất hơn 6 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá. Con số này phản ánh thách thức mà Bắc Kinh đương đầu trong việc ngăn chặn đà trượt dốc niềm tin của nhà đầu tư.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã triển khai những biện pháp nhỏ để cải thiện thị trường, nhưng sự chán nản của nhà đầu tư dường như không hề vơi đi. Thay vào đó, nhà đầun tư tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh đưa ra chính sách kích cầu mạnh mẽ hơn. Nhà chức trách đã hạn chế hoạt động bán khống và các quỹ nhà nước đã mua vào cổ phiếu của các ngân hàng lớn. Ý định thành lập một quỹ bình ổn thị trường do nhà nước đứng sau đã được cân nhắc ít nhất từ tháng 10 năm ngoái, nhưng có một số ý kiến bày tỏ hoài nghi về sự hiệu quả của một quỹ như vậy.
Trong đợt sụt giảm của thị trường hồi năm 2015, Trung Quốc đã huy động CSFS giữ vai trò bình ổn chính, bằng cách cho phép đơn vị này tiếp cận tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ là vốn vay từ các nguồn gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và các ngân hàng thương mại. CSFS được dùng số tiền này để mua cổ phiếu trực tiếp và cung cấp thanh khoản cho các công ty chứng khoán. Dù vậy, phải 1 năm sau đó thị trường mới ổn định trở lại.
Nguồn tin cho biết lần này, giới chức Trung Quốc muốn sử dụng nguồn tiền ngoài Trung Quốc đại lục để giảm thiểu ảnh hưởng đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ vốn đang yếu.