Tuy nhiên, niềm hy vọng này đang nhường chỗ cho những lo ngại về tình trạng luân chuyển hàng hóa trong nước, doanh số nhà và doanh số ô tô sụt giảm, khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm mua vào cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
HẾT CƠN SỐT BAN ĐẦU SAU KHI MỞ CỬA
Sau khi tăng 18,47% trong ba tháng tính tới tháng 1/2023, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã giảm 2,94% trong tháng 2, xuống còn 4.034,51 điểm. Lượng giao dịch mua vào cổ phiếu Trung Quốc qua kết nối giao dịch Hồng Kông và Trung Quốc đại lục của các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm đáng kể.
Theo công ty cung cấp dữ liệu Wind, tính từ đầu tháng 2 đến nay, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 16,6 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2,41 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc đại lục thông qua kết nối giao dịch trên, giảm từ mức 89,1 tỷ Nhân dân tệ của cùng kỳ tháng trước và giảm đáng kể so với mức kỷ lục 141,2 tỷ Nhân dân tệ của cả tháng 1. Trong 13 phiên giao dịch của tháng 2, có 6 phiên chứng kiến khối ngoại bán ròng, trong khi vào tháng 1 chỉ có 1 phiên bán ròng.
“Cơn sốt bùng lên ngay sau khi Trung Quốc mở cửa giờ đây gần như đã qua rồi”, ông Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại ngân hàng Thụy Sỹ UBP, nhận xét.
Chỉ số CSI 300 đã phục hồi từ mức thấp 3.508,7 điểm vào cuối tháng 10/2022 với phần lớn sự phục hồi diễn ra sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách Zero Covid vào tháng 12. Tuy nhiên, kể cả trong giai đoạn phục hồi mạnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra không mấy mặn mà. Tại một hội thảo vào tháng trước ở Singapore, ông Robert Buckland, chiến lược gia trưởng về chứng khoán toàn cầu của Citi Investment Research, cho rằng có thể chứng khoán Trung Quốc đang thay đổi từ trạng thái “hoàn toàn không thể đầu tư” sang “loại tài sản rủi ro”.
Các nhà đầu tư nước ngoài càng thêm lo ngại sau khi những dữ liệu kém khả quan từ thị trường bất động sản, hoạt động luân chuyển hàng hóa và thị trường xe điện được công bố. Thêm vào đó là việc Mỹ tiếp tục nâng lãi suất và căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ-Trung sau khi phía Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc.
"SẼ KHÔNG CÓ SỰ PHỤC HỒI THEO HÌNH CHỮ V"
Theo bà Maggie Wei của Goldman Sachs Asia, mối quan tâm cấp bách nhất của các nhà đầu tư lúc này vẫn là cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, vốn gắn liền với nhu cầu tiêu dùng của nước này. Nhà đầu tư vẫn đang cố gắng tính toán mức độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Nếu lĩnh vực bất động sản không ổn định trở lại hoặc phục hồi, giới đầu tư sẽ tự hỏi liệu việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid có thể thúc đẩy sự tăng trưởng ở mức một con số trong chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình ở Trung Quốc hay không”, bà Wei nói.
Số liệu về doanh số bất động sản tháng 1 của Trung Quốc cũng khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Hầu hết các nhà phát triển bất động sản tư nhân đều chứng kiến doanh số suy giảm ở mức hai con số, cụ thể CIFI Holdings Group giảm 41%, China SCE Group Holdings 39% còn Guangzhou R&F Properties 71%.
Nhà phân tích bất động sản Kelly Chen của Moody's Investors Service dự báo nhiều công ty phát triển bất động sản nhỏ ở Trung Quốc sẽ vỡ nợ trong năm nay vì các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu mang lại lợi ích cho các nhà phát triển tư nhân lớn hoặc thuộc sở hữu nhà nước.
“Chúng tôi cho rằng sẽ không có sự phục hồi hình chữ V trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc trong năm nay”, bà Chen cho biết.
Theo báo cáo công bố ngày 31/1, công ty môi giới bất động sản Trung Quốc CLSA nhận định thị trường bất động sản của nước này thời gian qua gần như không có sự cải thiện.
"Thị trường dường như vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, vì người mua nhà tiềm năng vẫn giữ thái độ chờ đợi và quan sát”, báo cáo nhận xét.
"Tháng 6 có thể là giai đoạn quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, khi đánh dấu tròn năm Thượng Hải phong tỏa. Nếu có dấu hiệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng, nhu cầu tín dụng và sản xuất suy yếu, Chính phủ Trung Quốc có thể đối mặt với một quyết định khó khăn, đó là ‘làm gì để kích thích trăng trưởng tiếp bây giờ’”.
Winnie Wu, Bank of America
Trên thị trường ô tô, doanh số tháng 1 chịu tác động đáng kể sau khi Chính phủ dừng các ưu đãi dành cho khách mua xe điện và ô tô truyền thống. BYD là nhà sản xuất ô tô niêm yết lớn duy nhất có tăng trưởng doanh số dương trong tháng trước. Còn doanh số chung và doanh số xe điện nói riêng của SAIC Motors, Guangzhou Automobile Group, Dongfeng Motor Group, Great Wall Motor và Geely Automobile Holdings đều giảm ở mức 2 con số.
“Dù tâm lý tiêu dùng có tín hiệu tốt, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nhu cầu ô tô sẽ không có sự cải thiện đáng kể”, nhà phân tích tín dụng Claire Yuan của S&P Global Ratings nói.
Việc Trung quốc dỡ bỏ các hạn chế Covid đã thúc đẩy người dân đi lại nhiều hơn, nhưng hoạt động vận chuyển hàng hóa tại nước này lại đang suy giảm. Cosco Shipping Ports lại chứng kiến sự suy giảm 12%. Cảng Quảng Châu ghi nhận lượng hàng hóa luân chuyển giảm 10%, còn cảng Ningbo-Zhoushan giảm 3%.
Vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không cũng ghi nhận sự suy yếu tương tự. Trong tháng 1, lượng hàng hóa vận chuyển của hãng hàng không China Southern Airlines giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Hai đối thủ thuộc sở hữu nhà nước của hãn này cũng ghi nhận mức suy giảm hàng hóa vận chuyển hơn 40%, tính theo tấn.
Trong tháng 1, sân bay quốc tế Bạch Vân, Quảng Châu xử lý 128,4 nghìn tấn hàng hóa, giảm 31% so với một năm trước, trong khi đón hơn 4,1 triệu hành khách, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Casanova của UBP dự báo các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ “án binh bất động” cho đến khi Trung Quốc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng vào tháng 3 tới. Dù lạc quan rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy nhờ hoạt động tiêu dùng được cải thiện, nhưng ông cảnh báo về những biến động tiềm ẩn của thị trường trong cả tháng 3 và tháng 4, khi các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa phòng dịch.
“Giới đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để tìm kiếm dấu hiệu cho sự phục hồi của Trung Quốc”, bà Winnie Wu, giám đốc điều hành và đồng trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán Trung Quốc tại Bank of America, nhận xét. “Tháng 6 có thể là giai đoạn quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, khi đánh dấu tròn năm Thượng Hải phong tỏa. Nếu có dấu hiệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng, nhu cầu tín dụng và sản xuất suy yếu, Chính phủ Trung Quốc có thể đối mặt với một quyết định khó khăn, đó là ‘làm gì để kích thích trăng trưởng tiếp bây giờ’”.