June 01, 2022 | 09:54 GMT+7

Trung Quốc đối diện khủng hoảng thất nghiệp ở người trẻ

Ngọc Trang -

Các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19, chiến dịch kiểm soát lĩnh vực giáo dục tư nhân và công nghệ đang khiến hàng chục triệu người trẻ Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp…

Một hội chợ việc làm ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: SOPA Images/Zuma Press
Một hội chợ việc làm ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: SOPA Images/Zuma Press

Khi Zheng Jin bị sa thải khỏi một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc hồi tháng 2, cô phần nào cảm thấy nhẹ nhõm khi được thoát khỏi một lĩnh vực đang đi xuống. Ba tháng sau, khi đã nộp đơn xin việc vào hơn 400 vị trí nhưng vẫn chưa tìm được việc, cô gái 26 tuổi bắt đầu lo sợ.

“Tôi không thể thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”, Zheng chia sẻ với hãng tin Bloomberg. “Tôi có cảm giác cuộc sống không còn hy vọng gì. Tôi không biết mình chịu được bao lâu nữa”.

Zheng đã tham gia hơn 10 cuộc phỏng vấn xin việc nhưng không nhận được lời đề nghị nào phù hợp. Trước đó, cô làm nhân viên nghiên cứu thị trường tại Nam Kinh và thuộc nhóm 30% nhân viên bị giảm biên chế khi Chính phủ Trung Quốc áp đặt các quy định tài chính nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực bất động sản, đẩy ngành này rơi vào khủng hoảng.

NHỮNG CON SỐ KỶ LỤC

Zheng là một trong hàng chục triệu người trẻ ở độ tuổi 20 tại Trung Quốc đang chật vật tìm việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các biện pháp siết chặt chính sách của Chính phủ nước này.

Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc – nhóm bao gồm sinh viên mới tốt nghiệp đại học – tăng lên mức kỷ lục 18,2%. Con số này gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị nước này và gần gấp đôi tỷ lệ này ở Mỹ.

Nỗi lo ngày càng gia tăng khi tình trạng thất nghiệp ngày càng trở nên tồi tệ tại đất nước đông dân nhất thế giới, thậm chí vượt qua mức thất nghiệp vào năm 2020 – khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên.

Làn sóng bùng phát dịch do biến chủng Omicron mới nhất và tình trạng phong tỏa ở nhiều nơi như Thượng Hải đã buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương nếu như công ty may mắn trụ được. Hàng triệu người như Zheng - những người đã bị sa thải khỏi các công ty internet, công nghệ giáo dục và kinh doanh bất động sản, vẫn đang cố gắng tìm việc làm. Trong khi đó, năm 2022, nước này sẽ ghi nhận con số kỷ lục 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và tràn vào thị trường lao động.

Trung Quốc đối diện khủng hoảng thất nghiệp ở người trẻ - Ảnh 1

Một trong số này là Xie Huiyu – một thanh niên 25 tuổi đang theo học thạc sĩ ngành toán học tại Anh. Xie đã trở về Thượng Hải vào tháng 11/2021 để làm thực tập sinh cho một công ty internet. Cô được hứa hẹn kỳ hợp đồng toàn thời gian tại công ty này sau khi tốt nghiệp vào mùa hè này.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, khi hàng triệu cư dân thành phố này bị buộc phải ở nhà, công ty bất ngờ chấm dứt hợp đồng thực tập sinh, thu hồi đề nghị ký hợp đồng toàn thời gian với Xie cùng với khoảng 40 sinh viên sắp tốt nghiệp khác do tình hình kinh doanh khó khăn. Từ đó đến nay, Xie buộc phải giam mình trong căn hộ đi thuê, phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính của gia đình và đồ ăn được chủ nhà cho.

“Đó là một quá trình vô cùng vất vả”, Xie nói về hành trình tìm việc của mình. “Đôi khi tôi tự hỏi học hành nhiều có ích gì”.

ÁP LỰC SONG HÀNH VỚI MONG MUỐN "NẰM YÊN MẶC KỆ ĐỜI"

Sự bức xúc của người trẻ Trung Quốc được trút lên các mạng xã hội và thổ bùng một số cuộc biểu tình hiếm hoi phản đối các biện pháp kiểm soát Covid tại một vài trường đại học - theo Bloomberg.

“Tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn chưa đạt đỉnh”, Jacqueline Rong, phó kinh tế trưởng về Trung Quốc tại BNP Paribas SA, nhận định và dự báo tỷ lệ này có thể lên tới 6,5% trong những tháng tới. Đây là một kỷ lục kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu tổng hợp số liệu vào tháng 1/2016.

Bà cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc có thể lên tới gần 20% vào mùa hè này, khi người mới tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động.

Sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh vào mùa hè năm 2021 - Ảnh: Xinhua/Zuma Press
Sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh vào mùa hè năm 2021 - Ảnh: Xinhua/Zuma Press

Không giống năm 2020, sự suy giảm kinh tế do Covid xảy ra năm nay trong bối cảnh thị trường lao động vốn đã chịu áp lực. Hàng triệu việc làm đã biến mất do khủng hoảng trong ngành bất động sản cũng như chiến dịch siết quản lý với các công ty internet và giáo dục tư nhân năm ngoái.

Không chỉ các công ty nhỏ, kể cả những “đại gia” đình đám cũng cắt giảm nhân sự. JD.com, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc, đã sa thải khoảng 10-15% nhân sự tại bộ phận mua hàng cộng đồng từ đầu năm đến nay. Còn hãng gọi xe khổng lồ Didi Global cũng có kế hoạch sa thải tới 20% nhân sự. Tháng trước, Tencent báo cáo tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu năm 2004 và dự kiến đóng cửa nhiều bộ phận thuộc kênh thể thao của mình.

Hiện tại, sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với thị trường lao động chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp và chỉ hỗ trợ một cách hạn chế với người lao động thất nghiệp. Bắc Kinh đã đưa ra một loạt ưu đãi cho doanh nghiệp như giảm thuế, cung cấp tín dụng với các khoản bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả trước đó, tạm dừng việc đóng góp của các doanh nghiệp vào các kế hoạch an sinh xã hội và trợ cấp tiền mặt cho doanh nghiệp đào tạo nhân sự.

Với nhiều người trẻ Trung Quốc đang tìm việc, sức hấp dẫn của việc rời bỏ hoàn toàn thị trường lao động và tham gia trào lưu “nằm yên mặc kệ đời” (lie flat) càng lớn hơn trong bối cảnh hiện nay. Áp lực cạnh tranh việc làm với hàng triệu người trẻ khác đang trở nên quá lớn với họ.

“Tôi đang vô cùng căng thẳng”, David Yang, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính năm ngoái, nói với Bloomberg.

Yang đã buộc phải ở nhà suốt nhiều tuần qua và không thể tham gia các cuộc phỏng vấn xin việc.

“Bạn vẫn tin mình có tương lai tươi sáng nhưng rồi đột nhiên bạn bị cấm rời khỏi nhà và việc làm trên thị trường đều biến mất”, Yang nói và cho biết sau khi gửi hàng chục hồ sơ xin việc mà không thành công, anh chỉ muốn “nằm yên mặc kệ đời.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate