Theo Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, xuất khẩu cao su tháng 2/2023 đạt 150 nghìn tấn với giá trị 212 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, nước ta đã xuất khẩu 285 nghìn tấn cao su, đem về 394 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 23,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
TRUNG QUỐC VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ LỚN NHẤT
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường như: Đài Loan, Nga, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia … vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
"Tháng 2/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 75,35% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 98,79 nghìn tấn, trị giá 135,56 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 206 nghìn tấn cao su, trị giá 277,45 triệu USD".
Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp.
Về nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu cao su tháng 2/2023 là 130 nghìn tấn với giá trị ước đạt 179 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 273 nghìn tấn và 346 triệu USD, giảm 40,9% về khối lượng và giảm 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su thiên nhiên, đem về 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu vẫn là khu vực châu Á, chiếm tới 90,6% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Cụ thể, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 1,86 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so năm 2021.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,5 triệu tấn, trị giá 2,34 tỷ USD; tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với năm 2021. Thị trường Trung Quốc chiếm 79,8% trong tổng giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2022.
Thị trưởng xuất khẩu cao su lớn thứ hai là Ấn Độ, với lượng xuất khẩu sang thị trường này đạt 123,2 nghìn tấn, trị giá 218 triệu USD; tăng 8,8% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với năm 2021. Thị trường Ấn Độ chiếm 6,6% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Ngoài ra, các thị trường đứng ở vị trí thứ 3 đến thứ 5 là: Campuchia chiếm 2,9%, Hàn Quốc chiếm 2,5%, sang Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1,9%. Còn lại là xuất khẩu đến các thị trường khác.
GIÁ XUẤT KHẨU CAO SU TRÁI VỚI KỲ VỌNG
Năm 2022 mặc dù xuất khẩu cao su đã lập mức kim ngạch kỷ lục mới 3,31 tỷ USD, nhưng so với năm 2011, khối lượng cao su xuất khẩu năm vừa qua cao gấp 2,6 lần, trong khi giá trị kim ngạch chỉ cao hơn không đáng kể. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu mỗi tấn mủ cao su chỉ còn bằng 40% so với cách đây 11-12 năm. Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2022 chỉ đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Thông thường, những tháng đầu năm là mùa khô, các vườn trồng cao su ngừng cạo mủ cao su, nguồn cung giảm nên giá cao su thường tăng cao trong quý đầu năm. Thế nhưng năm nay, việc giá xuất khẩu cao su giảm trong những tháng đầu năm là khá bất thường.
Vào thời điểm cuối tháng 12/2022, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra dự báo: Thời gian tới, giá cao su tự nhiên có tín hiệu tích cực hơn. Giữa tháng 12/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn. Đây là thông tin khả quan đối với nền kinh tế toàn cầu và có thể hỗ trợ hoạt động mua đầu cơ trên thị trường cao su.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc gần như không có hoạt động sản xuất cao su tự nhiên trong 3 tháng đầu năm 2023. Do nhiệt độ quá thấp, người trồng cao su tại Trung Quốc ngừng thu hoạch vào giữa tháng 12 hàng năm. Sau mùa nhiệt độ cực thấp sẽ là mùa cao su rụng lá và thay lá.
"Trung Quốc đánh giá nguồn cung cao su sẽ thiếu hụt từ tháng 2 trở đi, giai đoạn mà cây cao su tại các nước sản xuất chính bắt đầu bước vào mùa rụng lá hàng năm", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Từ tháng 1/2023, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero-Covid, các cửa khẩu trên trên tuyến biên giới với Việt Nam đồng loạt mở cửa thông quan hàng hóa trở lại như khi chưa xuất hiện đại dịch Covid. Thị trường Trung Quốc chiếm 80% trong tổng giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam, vì vậy nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu cao su sang Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại cả về lượng và giá xuất khẩu.
"Giá xuất khẩu cao su bình quân sang Trung Quốc trong năm 2022 ở mức 1.490 USD/tấn, giảm 9% so với năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã giảm 7,9% so với giá bình quân sang thị trường này trong năm 2022, và giảm 19,7% so với tháng 2 tháng đầu năm 2022".
Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp.
Thế nhưng trái với dự báo, giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 chỉ là đạt 1.384 USD/tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 2/2023, giá cao su xuất khẩu bình quân giảm 21,1% so với tháng 2/2022. Nếu tính riêng thị trường Trung Quốc, giá cao su xuất khẩu chỉ ở mức 1.372 USD/tấn trong tháng 2/2023.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, giá cao su xuất khẩu giảm là do ảnh hưởng biến động của thị trường thế giới. Trong tháng 1/2023, giá cao su trên thị trường thế giới liên tục giảm, ở 2 sàn giao dịch lớn.
Đến tháng 2/2023, giá cao su trên thị trường châu Á vẫn tiếp tục xu thế giảm. Giá cao su trên sàn sàn Osaka (Nhật Bản) vào phiên ngày 22/2/2023 cho hợp đồng benchmark kỳ hạn giao tháng 8/2023 là đạt 225,7 yên/kg, giảm 5,5 yên (tương đương 2,4%) so với phiên giao dịch đầu tháng 2/2023. Với mức thấp nhất tháng 2 rơi vào phiên giao dịch 15/2, giá đóng cửa hợp đồng tháng 8/2023 chỉ còn 219,4 yên/kg.
Giá cao su trên thị trường thế giới có dấu hiệu hồi phục trong những ngày 15-21/2/2023. Thế nhưng từ 22/2/2023 đến thời điểm này (22/3/2023), giá cao su lại liên tục sụt giảm.
Vào phiên giao dịch sáng ngày 22/3/2023, tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h15 (giờ Việt Nam), trên Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 3/2023 đạt mức 195,8 yen/kg, giảm 2,2% (tương đương 4,3 yen/kg) so với giữa tháng.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, tình hình sản xuất ở Nhật Bản vẫn ảm đạm trong tháng 2, báo hiệu suy thoái toàn cầu đang kìm hãm sự hồi phục của đất nước. Trong khi đó, nhu cầu ô tô của Trung Quốc giảm sút cũng gây áp lực lên tâm lý thị trường.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), thu hoạch cao su thiên nhiên năm 2023 dự báo đạt 14,693 triệu tấn về sản lượng, trong nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cao su thiên nhiên chỉ là 1,048 triệu tấn. Như vậy, năm 2023, nguồn cung cao su vượt cầu, khiến ngành hàng cao su lại đang rơi vào chu kỳ suy thoái mới.