March 04, 2024 | 13:22 GMT+7

Trung Quốc: Nhà đầu tư kỳ vọng gì từ kỳ họp Quốc hội khóa 14

Ngọc Trang -

Nhà đầu tư toàn cầu đang hướng về kỳ họp Quốc hội (NPC) của Trung Quốc, dự kiến khai mạc vào ngày 5/3...

Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3/2023 - Ảnh: Bloomberg
Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3/2023 - Ảnh: Bloomberg

Tại kỳ họp này, Trung Quốc sẽ thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, đồng thời định hướng chiến lược hỗ trợ nền kinh tế sau một năm đối mặt tình trạng giảm phát, khủng hoảng bất động sản, cũng như gánh nặng nợ tăng cao và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh.

Theo hãng tin Bloomberg, giới đầu tư sẽ theo dõi sát sao các ưu tiên chính sách và tín hiệu kích thích kinh tế từ các nhà lãnh đạo. Trong đó, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực trọng tâm nhận được hỗ trợ tăng trưởng, các động lực kinh tế mới trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dịch chuyển khỏi mô hình tăng trưởng dựa trên bất động sản. Kế hoạch kích thích tiêu dùng của Chính phủ cũng được giới đầu tư chú trọng.

CHÚ TRỌNG TĂNG TRƯỞNG NHƯNG KHÔNG KÍCH THÍCH QUY MÔ LỚN

“Lập trường chính sách của Bắc Kinh có thể sẽ vẫn là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhưng sẽ không có các chương trình kích thích quy mô lớn. Lập trường này đã được xác nhận tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương của Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Do đó, chúng tôi dự báo ít khả năng có những thay đổi đáng kể”, các nhà kinh tế tại ngân hàng JPMorgan Chase & Co. (Mỹ) nhận định trong một báo cáo đánh giá về kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc. 

Theo nhóm nhà kinh tế này, “sẽ có bất ngờ mang tính tích cực” nếu báo cáo công tác của Chính phủ – dự kiến do Thủ tướng Lý Cường trình bày tại kỳ họp – cho thấy các nhà hoạch định chính sách quan ngại về các thách thức kinh tế, bao gồm rủi ro giảm phát, thất nghiệp, khủng hoảng bất động sản.

Báo cáo công tác và báo cáo ngân sách của Chính phủ sẽ được trình bày vào ngày đầu tiên của kỳ họp, sau đó được thảo luận vào thông qua vào những ngày sau đó.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là tín hiệu chính sách quan trọng nhất từ kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Hầu hết nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5%. Dù mục tiêu này tương tự như năm trước nhưng sẽ khó đạt được hơn bởi cơ sở so sánh cao hơn. Năm 2023, GDP của Trung Quốc tăng 5,2%, còn năm 2022 là 3%.

Năm 2024, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt nhiều “cơn gió ngược”, trong đó có tình trạng giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 của nước này giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,3% vào tháng 12/2023. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.

Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của Trung Quốc giảm 1,5% trong quý 4/2023, đánh dấu quý giảm thứ ba liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1999. Đây là chỉ số phản ánh mức giá chung của tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước.

Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm tăng thêm áp lực phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. CPI năm 2023 của Trung Quốc chỉ tăng 0,3%, so với mục tiêu 3% Chính phủ đặt ra.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng và duy trì mục tiêu CPI bất chấp áp lực giảm phát cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chú trọng kích thích tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính, dự kiến được trình bày trong phiên khai mạc ngày 5/3, sẽ cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đi xa đến đâu để vực dậy nền kinh tế. Trung Quốc từ lâu luôn duy trì thâm hụt ngân sách ở mức quanh hoặc dưới 3% GDP để đảm bảo kỷ cương tài chính và kiểm soát rủi ro. Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà kinh tế kêu gọi Bắc Kinh nới lỏng giới hạn này. Năm ngoái, động thái hiếm hoi của Bắc Kinh khi tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP lên 3,8% được đánh giá là bước đi đúng hướng.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết tăng cường chính sách tài khóa “một cách phù hợp” tại các cuộc họp chính sách năm 2024 gần đây, giới kinh tế dự báo mục tiêu thâm hụt ngân sách năm nay của nước này sẽ là khoảng 3,3% - theo một khỏa sát của Bloomberg.

Tuy nhiên, vì chính quyền nhiều địa phương đang chật vật với gánh nặng nợ khổng lồ, Chính phủ Trung Quốc sẽ cần phải vay nợ nhiều hơn nếu muốn tăng chi tiêu.

Về chính sách tiền tệ, các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nhấn mạnh lập trường linh hoạt, với cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp với tăng trưởng kinh tế và mục tiêu lạm phát. Chính sách tiền tệ cũng sẽ được tăng cường để hỗ trợ một số lĩnh vực trọng tâm.

TẬP TRUNG VÀO CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Về động lực tăng trưởng mới, trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản, Bắc Kinh cần thay đổi mô hình kinh tế để kích thích tăng trưởng trong thập kỷ tới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây liên tục đề cập tới các động lực tăng trưởng mới – chủ đề được dự báo sẽ là trọng tâm tại kỳ họp quốc hội tuần này. Theo tờ Tân Hoa Xã, các động lực tăng trưởng mới sẽ mang tính “công nghệ cao, hiệu quả cao và chất lượng cao”.

Bắc Kinh có thể sẽ kích thích tiêu dùng bằng cách tập trung vào các mặt hàng giá trị lớn như đồ gia dụng, ô tô - Ảnh: Bloomberg
Bắc Kinh có thể sẽ kích thích tiêu dùng bằng cách tập trung vào các mặt hàng giá trị lớn như đồ gia dụng, ô tô - Ảnh: Bloomberg

Thời gian qua, Bắc Kinh đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất, tập trung vào “3 động lực tăng trưởng mới” gồm xe điện, pin điện và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra rủi ro thừa cung trong các lĩnh vực đó cũng như làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, châu Âu…

Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều tín hiệu cho thấy Chính phủ đang tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực này trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng giảm. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tháng trước có đợt hạ lãi suất tham chiếu của lãi suất cho vay thế chấp mua nhà mạnh chưa từng thấy nhằm thúc đẩy nhu cầu trên thị trường bất động sản. Thời gian qua, Bác Kinh cũng tăng cường hỗ trợ cho các dự án nhà giá rẻ, cải tạo các khu đô thị và xây dựng nhà ở xã hội. Đây được dự báo sẽ là một chủ đề quan trọng được thảo luận tại kỳ họp quốc hội tuần này.

Về tiêu dùng, trong bối cảnh niềm tin vẫn đang ở mức thấp, Bắc Kinh có thể sẽ kích thích tiêu dùng bằng cách tập trung vào các mặt hàng giá trị lớn như đồ gia dụng, ô tô. Theo một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, Chính phủ sẽ có chính sách thúc đẩy hoạt động cải tạo nhà cửa cũng như phát triển các hình thức tiêu dùng mới như thương mại điện tử xuyên biên giới và kích thích nhu cầu mua xe chạy bằng năng lượng mới.

“Những chính sách kích thích nhu cầu mới mẻ và cụ thể như hỗ trợ mua sắm hàng hóa giá trị cao trên quy mô lớn có thể giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng trong năm nay”, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate