Trong tháng 11/2022, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD lấy lại gần 1/3 phần bị mất kể từ đầu năm. Đà tăng duy trì sang tháng 12 và đến đầu tuần vừa rồi, Nhân dân tệ (NDT) đã vượt qua ngưỡng chủ chốt 7 NDT đổi 1 USD. Các chiến lược gia của Ngân hàng Societe Generale cho rằng việc Nhân dân tệ vượt mốc 6,95 NDT đổi 1 USD phản ánh sự tăng giá của đồng này đã diễn ra quá mức, trong khi các chiến lược gia của Ngân hàng UBS giữ nguyên dự báo rằng từ nay đến tháng 3/2023, tỷ giá Nhân dân tệ sẽ lại trượt giá về mức 7,3 NDT đổi 1 USD, gần mức đáy của năm 2022.
NHÂN DÂN TỆ PHỤC HỒI NHƯNG KHÓ BỀN
Giới phân tích cho rằng sự hồi phục của đồng Nhân dân tệ sẽ “bay màu” khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô không có sự khởi sắc, thậm chí còn xấu đi, và một làn sóng lây nhiễm mới có thể xuất hiện và gây gián đoạn các hoạt động kinh tế khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. Ngoài ra, cũng không ai dám chắc tỷ giá đồng USD có còn ở thế phòng thủ sau cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 13-14/12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Mở cửa trở lại là một tiền đề chính để Trung Quốc quay trở lại với xu hướng tăng trưởng tiềm năng, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng bức tranh thực sự có thể không màu hồng như mọi người tưởng”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng Nomura nhận định và dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụt giảm tới mức trở thành một trở ngại cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, bên cạnh những gián đoạn kinh tế là hệ quả của sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm. Cả hai yếu tố này có thể dẫn tới sự phục hồi tăng trưởng yếu hơn dự báo.
Tuần trước, sau khi Trung Quốc công bố thống kê xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn dự báo, tỷ giá Nhân dân tệ ngay lập tức suy yếu. Sự suy yếu này duy trì ngay cả sau khi Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) tuyên bố nới lỏng một loạt biện pháp chống Covid-19, bao gồm cho phép người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà thay vì cách lý tập trung, hủy bỏ quy định xét nghiệm Covid-19 bắt buộc khi đến hầu hết các địa chỉ công cộng.
“Đà tăng giá gần đây của Nhân dân tệ chủ yếu là do triển vọng mở cửa trở lại, mà triển vọng đó lại dựa trên việc nới lỏng các hạn chế chống dịch. Những dữ liệu kinh tế sắp tới, nếu yếu kém sẽ không thể tương thích với sự phục hồi tỷ giá này, cho dù các dữ liệu có độ trễ”, chiến lược gia Kiyong Seong của Ngân hàng Societe Generale nhận định.
Một báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo rằng dù nới lỏng các hạn chế chống dịch, Trung Quốc hiện vẫn chưa sẵn sàng cho việc mở cửa nhanh chóng trở lại, xét tới tỷ lệ tiêm vaccine và nguồn lực bệnh viện như hiện nay. Ngân hàng ANZ dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục giằng co trong mấy tháng tới trong vùng 6,8-7,2 NDT đổi 1 USD cho tới khi Trung Quốc thực sự “sống chung với Covid”. UBS cũng không cho rằng các kỳ vọng về một sự mở cửa nhanh chóng trở lại của Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực.
Ngoài ra, thị trường cũng đang băn khoăn việc liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có triển khai các biện pháp hạn chế sự tăng giá của Nhân dân tệ, đảo ngược nỗ lực trước đó trong năm nay nhằm hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh vì Fed liên tục tăng lãi suất.
“Ở thời điểm này, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng về khả năng tăng giá thêm nhiều của đồng Nhân dân tệ, vì nhu cầu trong nước của Trung Quốc chưa đủ mạnh để vực dậy tăng trưởng. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải dựa vào nhu cầu bên ngoài, và điều này đòi hỏi một đồng Nhân dân tệ yếu”, một báo cáo của Ngân hàng UniCredit Bank nhận định.
NỀN KINH TẾ ĐUỐI SỨC “TOÀN TẬP”
Dù Trung Quốc đang tiến tới mở cửa trở lại, giới phân tích vẫn thận trọng về triển vọng của nền kinh tế này ít nhất trong một vài quý tới. Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ thấp hơn mức dự báo bình quân của giới chuyên gia trong nửa đầu năm 2023, cho rằng giai đoạn đầu mở cửa sẽ là khoảng thời gian hết sức khó khăn, như kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á khác. Morgan Stanley dự báo kinh tế Trung Quốc còn đuối trong nửa đầu năm tới.
Standard Chartered cho rằng mức tăng trưởng tiêu dùng ở khu vực đô thị của Trung Quốc trong năm 2023 vẫn sẽ thấp hơn so với mức trước đại dịch, xét tới việc thu nhập của các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian đại dịch căng thẳng.
Năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã đuối sức trông thấy do các đợt bùng dịch Covid-19 liên tiếp và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Giới phân tích dự báo tăng trưởng cả năm của kinh tế Trung Quốc sẽ hụt mục tiêu 5,5% mà Chính phủ nước này đề ra, với một khoảng cách lớn. Các chuyên gia kinh tế dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 3,2% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ thập niên 1970 nếu không tính cú sụt do đại dịch gây ra vào năm 2020.
Tiêu dùng yếu ớt khó có thể đóng góp cho phục hồi của nền kinh tế, giữa lúc xuất khẩu tụt dốc vì nhu cầu toàn cầu suy yếu. Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc hồi đầu tháng 10, doanh thu ngành du lịch Trung Quốc chỉ đạt hơn 40 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động đi lại bằng máy bay trong nước cũng đang ở mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 2018 tới nay.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam