Hôm thứ Hai tuần trước, truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV nêu đích danh một công ty tư vấn không tuân thủ luật an ninh nước này. Công ty Capvision Partners có trụ sở ở Thượng Hải là cái tên mới nhất trở thành đối tượng của những cuộc điều tra như vậy ở Trung Quốc đại lục thời gian gần đây.
Hồi tháng 3, công ty thẩm định chuyên sâu Mintz đến từ Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng cảnh sát đã lục soát văn phòng của công ty ở Bắc Kinh và bắt giữ một số nhân viên người Trung Quốc. Hồi tháng 4, công ty tư vấn Mỹ Bain & Co xác nhận cảnh sát đã tới văn phòng công ty ở Thượng Hải.
“CÓ VẺ NHƯ ĐÂY LÀ MỘT NGHỊCH LÝ”
Những công ty kể trên đều cung cấp dịch vụ thẩm định chuyên sâu, thường được các doanh nghiệp và nhà đầu tư thuê để xác định liệu các nhà cung ứng có tuân thủ các quy định và quy chế, không chỉ ở Trung Quốc mà ở cả các thị trường khác. Các công ty này cũng kiểm toán chuỗi cung ứng và cung cấp các dịch vụ khác.
Vào một thời điểm mà Trung Quốc tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang gượng dậy sau gần 3 năm đóng kín chống Covid, việc nước này tăng cường kiểm soát an ninh đối với doanh nghiệp đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư và có vẻ đi ngược với những tuyên bố cởi mở của Bắc Kinh.
“Có vẻ như đây là một nghịch lý”, Phó giáo sư Chong Ja Ian thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUSE), một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhận định với CNBC. “Nhưng thực ra, việc này nhất quán với chính sách hiện nay của Trung Quốc là tăng cường kiểm soát mọi mặt của đời sống xã hội. Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng uy tín dựa trên hiệu quả điều hành, nên họ sẽ muốn giữ vững sự kiểm soát khi nước này đối mặt với sức ép từ nhiều phía như hiện nay”.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Bắc Kinh có ý nói rằng cuộc điều tra nhằm vào Capvision chỉ là một trường hợp cá biệt. “Có những hành động chấp pháp bình thường, phù hợp với luật pháp Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng lành mạnh và được điều tiết hợp lý của các lĩnh vực ngành nghề có liên quan và để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích phát triển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc trong 1 thập kỷ trở lại đây đã có những bước đi nhằm tăng cường giám sát dữ liệu. Những bước đi này bao gồm thông qua luật an ninh dữ liệu vào năm 2021 nhằm bảo vệ thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, cũng như thông tin về các vấn đề quan trọng thuộc lợi ích đại chúng.
Hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc thông qua luật phản gián sửa đổi, cấm chuyển giao bất kỳ thông tin nào liên quan tới an ninh quốc gia, nhưng không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về “an ninh quốc gia”, mặt khác mở rộng định nghĩa gián điệp.
Ngoài ra, Trung Quốc gần đây được cho là hạn chế sự tiếp cận của các tài khoản nước ngoài đối với một số dữ liệu kinh tế và tài chính nhất định của doanh nghiệp Trung Quốc trên cổng thông tin Wind Information.
Hồi tháng 3, Hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Quốc (CNKI), cơ sở dữ liệu học thuật lớn nhất ở Trung Quốc, gửi thông báo tới một số trường đại học và tổ chức nghiên cứu nước ngoài rằng quyền truy cập của họ sẽ bị hạn chế từ ngày 1/4.
SỰ THIẾU RÕ RÀNG CỦA CÁC QUY ĐỊNH
“Các hành động chấp pháp giờ đây có vẻ rất tuỳ ý. Việc đưa nhiều công ty vào diện tăng cường giám sát và hạn chế tiếp cận dữ liệu tài chính đối với người nước ngoài có thể đồng nghĩa với việc các cơ quan an ninh Trung Quốc sắp làm việc gì đó lớn hơn”, ông Lester Ross - một luật sư nước ngoài ở Trung Quốc - nói với CNBC.
“Một vấn đề lớn đặt ra lúc này về pháp luật của Trung Quốc nói chung là sự cần thiết phải có độ chính xác cao hơn trong các quy định về việc gì được phép làm và việc gì không được phép làm. Có quá nhiều thứ đang được xem là liên quan đến an ninh quốc gia và bí mật nhà nước mà vẫn chưa được định nghĩa hay phân loại một cách đầy đủ và rõ ràng”, ông Ross nói thêm.
Cáo buộc của Trung Quốc nhằm vào Capvision bao gồm cho rằng công ty tư vấn này là một trong số những đầu mối bị các tổ chức nước ngoài có “thân thế phức tạp” sử dụng để đánh cắp bí mật nhà nước và thông tin tình báo trong những vực chủ chốt, vi phạm pháp luật Trung Quốc. Nhà chức trách cáo buộc Capvision đã nhận hơn 2.000 cuộc chuyển tiền từ các công ty nước ngoài, với tổng trị giá 70 triệu USD, trong thời gian từ năm 2017-2020.
Chương trình của CCTV nói rằng Capvision đã tiếp cận với một “mạng lưới chuyên gia khổng lồ” khoảng 300.000 người ở khắp các lĩnh vực từ nghiên cứu chính sách trong nước, quốc phòng và công nghệ quân sự cho tới ngân hàng, tài chính và dược phẩm. Chương trình còn đưa dẫn chứng là một chuyên gia được cho là có dính líu đến Capvision và đã bị kết án vì hành vi làm lộ thông tin liên quan đến máy bay quân sự - theo CNBC.
Trong một dấu hiệu cho thấy những thông tin mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải vào tuần trước đã dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp có sự đánh giá lại, tờ Thời báo Chứng khoán - một tờ báo nhà nước Trung Quốc - hôm thứ Năm đưa tin nói rằng cơ quan chức năng nước này đã yêu cầu các công ty chứng khoán trong nước tăng cường tuân thủ các quy định về thông tin nhạy cảm, hoạt động mời chuyên gia và trả lời phỏng vấn.
Các hội đồng thương mại Mỹ và châu Âu ở Trung Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại.
Trong một tuyên bố, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nói rằng các cuộc điều tra gần đây “có nguy cơ làm gia tăng bấp bênh vào đúng thời điểm các công ty châu Âu đang tìm kiếm các dấu hiệu rõ ràng về việc môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang trở nên đáng tin cậy và dễ đoán hơn. Phòng Thương mại châu Âu tôn trọng quy định của pháp luật và hy vọng pháp luật sẽ được tuân thủ trong những trường hợp này.”
Hôm thứ Tư tuần trước, Capvision đã cam kết “tích cực giải quyết” các yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc về việc công ty đã sơ suất trong các trách nhiệm đối với an ninh quốc gia, bằng cách thành lập một “ủy ban tuân thủ” nội bộ gồm ba người do CEO Xu Rujie đứng đầu.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng chúng tôi đã không tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm về an ninh quốc gia trong các hoạt động kinh doanh trước đây của mình và có những nguy cơ và sơ hở tiềm ẩn lớn dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của đất nước”, công ty có trụ sở tại Thượng Hải cho biết trong một tuyên bố.
Nếu không có thêm thông tin chi tiết về những gì các công ty được phép làm, điều đó có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng gặp khó khăn hơn trong việc thẩm định trước khi cam kết giao dịch, nhất là khi xét đến bản chất của hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
“Trong một nền kinh tế do nhà nước định hướng như Trung Quốc, rất nhiều công ty địa phương của Trung Quốc sẽ có giao dịch với chính phủ ở nhiều cấp độ khác nhau”, chuyên gia Chong từ NUS phát biểu. “Vì vậy, một số dữ liệu thương mại chắc chắn sẽ có ý nghĩa chính trị và an ninh quốc gia. Tôi không chắc liệu Chính phủ Trung Quốc có quan tâm đến việc đưa ra những quy định cụ thể hơn hay không”.