Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên vừa tuyên bố, nước này sẽ cẩn trọng trong việc đánh giá lại giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT), trong bối cảnh sức tăng trưởng các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn chậm chạp sau khi trải qua khủng hoảng.
Mặc dù không đưa ra thời gian biểu cho việc duy trì tỷ giá hối đoái hiện nay, nhưng Trung Quốc khẳng định việc đánh giá lại đồng NDT chỉ có thể được thực hiện sau 2 hoặc 3 năm nữa, khi thị trường xuất khẩu toàn cầu hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng.
Tỷ giá hối đoái đặc biệt
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên gọi hành động neo giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD mà Bắc Kinh đã và đang thực hiện là "một cơ chế tỷ giá hối đoái đặc biệt" nhằm phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông khẳng định, cơ chế này sớm hay muộn cũng bị bãi bỏ, nhưng Trung Quốc sẽ rất cẩn trọng và khôn ngoan trong việc lựa chọn thời điểm thích hợp.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp với sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế và những phản hồi từ việc thực thi chính sách. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, khó khăn hiện nay của các nhà hoạch định chính sách là dự đoán được mọi tình huống có thể xảy ra và những thay đổi về chỉ số.
Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải, song đồng thời theo sát các diễn biến lạm phát và những thay đổi của các chỉ số kinh tế khác. Ông cũng lưu ý rằng việc kiểm soát lạm phát trong năm nay sẽ hết sức phức tạp.
Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đưa đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế, cuối năm 2008, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách tiền tệ từ "siết chặt" sang "nới lỏng vừa phải" và triển khai gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ NDT (585 tỷ USD). Trong năm 2009, chính phủ đã "bơm" tổng cộng 9,6 nghìn tỷ NDT cho nền kinh tế dưới dạng các khoản vay mới, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.
Theo các chuyên gia, mặc dù xuất khẩu Trung Quốc trong năm 2009 đã giảm 4% so với GDP cả nước, nhưng chính sự ổn định tỷ giá và gói kích thích kinh tế khổng lồ chính phủ Trung Quốc tung ra đã giúp cho kinh tế nước này vẫn giữ được đà tăng trưởng. Nhờ đó, GDP năm 2009 của Trung Quốc đã vượt qua cả con số mục tiêu 8% mà chính phủ nước này đặt ra hồi đầu năm.
Phương Tây chỉ trích
Các nhà kinh tế cho rằng, đồng NDT của Trung Quốc được định giá thấp hơn thực tế từ 20-40%, tạo cho Bắc Kinh lợi thế bất công trong hoạt động thương mại quốc tế. Trung Quốc duy trì tỷ giá 6,83 NDT/USD từ tháng 7/2008 và khẳng định chính sách này là vấn đề nội bộ nhằm thúc đẩy sự ổn định và tăng trưởng.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải thực hiện việc đánh giá lại đồng NDT vì cho rằng việc quốc gia này neo tỷ giá đồng NDT với đồng USD đã tạo lợi thế về xuất khẩu, qua đó hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc khi giao dịch với các nền kinh tế khác trên thế giới. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục không chịu tăng giá đồng NDT đã gây phương hại tới nhiều nước đang phát triển vốn lấy xuất khẩu để phát triển kinh tế, chứ không chỉ có Mỹ.
Cựu kinh tế trưởng của IMF Simon Johnson công khai thúc giục ông Obama xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Việc này có thể làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Một nhóm 15 nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Gary Locke dùng luật thương mại chống trợ cấp của Mỹ để đối phó với những quy định về tiền tệ của Trung Quốc dựa trên cơ sở từng vụ việc.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cho thấy đà hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt về xuất khẩu, các nước phương Tây tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh phải dừng ngay việc giữ tỷ đồng NDT quá thấp như hiện nay. Trong cuộc điều trần nhậm chức năm 2009, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk cho biết ông sẽ xem xét khả năng kiện lên WTO việc Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate