April 06, 2016 | 11:31 GMT+7

Trước giờ miễn nhiệm, đại biểu nói gì về Thủ tướng?

Nguyên Vũ

"Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn giữ một tư thế của người lãnh đạo đại diện cho quốc gia", một đại biểu nói

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) mang cuốn kỷ yếu của Quốc hội khoá 13 xin chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước giờ miễn nhiệm. Thủ tướng rất vui vẻ đáp ứng yêu cầu này. Bà Khánh nói, cuốn kỷ yếu có đủ hình ành và thông tin của tất cả các vị đại biểu khoá 13, bà đã xin chữ ký của nhiều vị và sẽ cố gắng xin đủ tất cả để lưu giữ làm kỷ niệm.<br>
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) mang cuốn kỷ yếu của Quốc hội khoá 13 xin chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước giờ miễn nhiệm. Thủ tướng rất vui vẻ đáp ứng yêu cầu này. Bà Khánh nói, cuốn kỷ yếu có đủ hình ành và thông tin của tất cả các vị đại biểu khoá 13, bà đã xin chữ ký của nhiều vị và sẽ cố gắng xin đủ tất cả để lưu giữ làm kỷ niệm.<br>
"Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, người kế nhiệm Thủ tướng cần cố gắng để giữ được hình ảnh đẹp trong quan hệ quốc tế của một vị lãnh đạo đất nước", đại  biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại trao đổi với báo chí, ngay sau khi Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng.

Bà Võ Thị Hồng Thoại nói: "Trong ấn tượng của tôi, về quan hệ hội nhập quốc tế, khi đi làm việc, dự các hội nghị với các tổ chức quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn giữ một tư thế của người lãnh đạo đại diện cho quốc gia. Cá nhân tôi cũng như nhiều cử tri cảm thấy tự hào về hình ảnh đó. Ứng biến trong mọi tình huống mà các đối tác đặt ra, Thủ tướng đã thể hiện bản lĩnh và sự sắc sảo". 

"Ý chí đó cộng với phong thái và bản lĩnh của Thủ tướng đã thuyết phục được bạn bè thế giới, thu hút được viện trợ của Việt Nam hay trong việc đầu tư các công trình dự án lớn của Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ ràng".

Không chỉ là Chính phủ

Bên cạnh đối ngoại, bà còn nhận xét gì về điều hành của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệm kỳ qua?

Khi Quốc hội thông qua nghị quyết rồi thì Chính phủ thực hiện với một quyết tâm cao, kiên quyết bám sát mục tiêu chung của Quốc hội đề ra, năng động, linh hoạt với các vấn đề nảy sinh luôn với quan điểm kiên trì mục tiêu để đạt được. 

Nhiệm kỳ qua tăng trưởng kinh tế tuy không đạt được như mong muốn nhưng có thể chấp nhận được.

Tôi rất ấn tượng với cách kiên trì mục tiêu để điều hành của Chính phủ, dù tình hình có khó khăn thế nào thì Chính phủ - trong đó có vai trò của Thủ tướng - rất quyết liệt, mà vẫn chủ động, linh hoạt.

Nhiều đai biểu nhận xét, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng có hai điều khiến cả đại biểu và cử tri chưa yên lòng, đó là để nợ công cao và chống tham nhũng chưa hiệu quả, và trách nhiệm của Thủ tướng với những việc này là lớn nhất. Ý kiến của cá nhân bà?

Tình hình đất nước có nhiều khó khăn, nguồn thu không đáp ứng cho nhiệm vụ chi, mà nhiệm vụ chi luôn đặt ra rất lớn. Vậy thì vấn đề nợ công không phải là đặt ra cho trách nhiệm riêng của Thủ tướng, mà cái đó còn có trách nhiệm của Quốc hội, bởi vì quyết định ngân sách là thẩm quyền của Quốc hội.

Nên nợ công căng thẳng như thời điểm này, thì trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng thì chỉ là phần nào thôi. 

Vấn đề quan trọng là nợ công dùng vào mục đích gì, có hiệu quả hay không, có phát huy hiệu quả góp phần cho tăng trưởng hay không. Vấn đề đó mới là quan trọng, chứ với nước ta mà không có nợ công, thì tôi nghĩ là chuyện không tưởng.

Còn chống tham nhũng, thực sự cá nhân tôi cũng rất trăn trở và suy nghĩ. Đây là việc của toàn xã hội. Khung pháp lý, pháp luật đã có rồi, mà việc triển khai tổ chức thực hiện thì cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, chứ không chỉ là Chính phủ.

Chống tham nhũng chưa tốt, theo tôi, không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ, mà trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Từ chỗ công tác thanh tra kiểm tra chưa triệt để, chưa sâu sắc nên phát hiện và xử lý người vi phạm chưa tương xứng.

Còn về công tác phòng ngừa tham nhũng những năm qua, về phía Chính phủ đã có nhiều giải pháp chứ không phải không. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa như kê khai tài sản, sử dụng tài sản công, quản lý ngân sách Nhà nước, thì tôi nghĩ giờ này việc đó (tham nhũng - PV) còn nguy hại nữa chứ không chỉ dừng như này.

Tất nhiên, tôi thấy hạn chế của Thủ tướng là với vai trò người đứng đầu của Chính phủ, cơ quan hành pháp, nhưng việc kiểm tra thanh tra, xử lý nhất là về vấn đề tham nhũng có lẽ chưa được mạnh mẽ lắm. Nhất là trong việc chỉ đạo cơ quan chức năng xác định trọng tâm trọng điểm rồi xác định đấu tranh cho thật hiệu quả, không để cho tình trạng tham nhũng phát sinh như hiện nay. 

Qua sinh hoạt chính trị của Đảng vừa rồi, tôi cũng nghe thông tin này khác, tôi rất lo lắng, băn khoăn. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng nói về vấn đề chạy chức chạy quyền, sử dụng tiền để lo đi tranh thủ này khác.

Đó cũng là một việc tác động trực tiếp đến tiêu cực tham nhũng, vì không bao giờ anh có tiền mà gia đình anh lại để anh tự nhiên đi quan hệ như vậy, mà đã phải quan hệ thế thì cũng phải tính đến việc thu hồi lại chứ. Công chức Nhà nước, nếu muốn thu lại thì biết thu ở đâu nếu không phải là tham nhũng? Cho nên cái đó cũng là một kẽ hở dẫn đến việc có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Điều chỉnh rất tích cực

Trong điều hành kinh tế kinh tế nói riêng, bà nhìn nhận thế nào về vai trò người đứng đầu Chính phủ?

Tôi thấy trong điều hành kinh tế thì vai trò trước tiên là của tập thể Chính phủ. Cá nhân thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người khá sâu sắc, có kinh nghiệm từ thực tiễn, đi từ cơ sở lên, và trước khi làm Thủ tướng thì ông cũng đã đảm nhiệm những lĩnh vực tương đối sâu sát với hoạt động điều hành kinh tế.

Cho nên tôi thấy hoạt động điều hành của Thủ tướng, trước đây thì cũng có vấn đề này khác liên quan đến việc quản lý tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhưng đến nhiệm kỳ mới gần đây, 2011-2016, Thủ tướng đã có những điều chỉnh rất tích cực, tạo chuyển biến.

Như chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, xác định được trọng tâm, có sự chuyển đổi rất tích cực hay chỉ đạo về chuyển đổi hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội thì có sự đột phá lớn. 

Nhưng cái hạn chế mà tôi lo lắng và trăn trở là trong vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chủ trương thì có nhiều nhưng triển khai còn nhiều vấn đề. Trách nhiệm là của tập thể Chính phủ, của thành viên Chính phủ, của cơ quan tham mưu giúp việc, nhưng mà với vai trò Thủ tướng thì tôi thấy là Thủ tướng có quan tâm, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ, tích cực.

Cá nhân Thủ tướng cũng là đại biểu Quốc hội, bà thấy ông giữ mối quan hệ với các đại biểu khác thế nào?

Tôi thấy mối quan hệ này không phân biệt giữa đại biểu là cán bộ hay đại biểu bình thường, đại biểu ở Trung ương hay địa phương, mà mối quan hệ này tương đối thân thiết, chân thành.

Thủ tướng cũng rất khiêm tốn trong việc thực hiện trả lời chất vấn của đại biểu. Chính tôi là một đại biểu địa phương đã từng gửi chất vấn tới Thủ tướng, nhưng khi tôi chất vấn, thực sự là lãnh đạo tỉnh tôi rất bất ngờ, ngơ ngác và có chút lo lắng vì không biết tôi chất vấn gì. 

Tôi chất vấn Thủ tướng với tinh thần rất trách nhiệm, cũng rất vui vì khi tôi đặt vấn đề, địa phương thì lo nhưng sau đó Thủ tướng trả lời và nói với tôi, "đồng chí chất vấn rất trúng - đúng, nên tôi phải trả lời với tinh thần trách nhiệm cao, để qua đó tôi thấy được trách nhiệm của tôi và cũng giúp cử tri và đại biểu có nhận thức đúng đắn hơn về công tác điều hành chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ". 
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate