Trong buổi làm việc ngày 26/3, bà Bùi Lê Thùy Linh – Giám đốc kinh doanh Khối Khách hàng Chính phủ, Intel Việt Nam khẳng định tầm nhìn của Intel là phổ cập hóa Trí tuệ Nhân tạo, trong đó các trường đại học về công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam là nền tảng để triển khai cụ thể tầm nhìn này.
“Intel Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với trường Đại học CMC trong đào tạo nguồn nhân lực sử dụng thành thạo công nghệ AI. Với lợi thế của mô hình trường đại học trong lòng doanh nghiệp, kết hợp với tiềm lực của Tập đoàn Công nghệ CMC, việc triển khai đào tạo cho sinh viên là vô cùng thuận lợi.”, bà Bùi Lê Thùy Linh cho biết.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những định hướng chính trong đào tạo ngành Khoa học Máy tính của Trường Đại học CMC. Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế theo chuẩn kiểm định của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ của Mỹ (ABET) và hệ thống chuẩn kỹ sư công nghệ thông tin của Nhật Bản ( ITSS).
Việc tổ chức các lớp đào tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo theo chương trình “AI for future workforce” do tập đoàn Intel hỗ trợ sẽ là cơ hội cho sinh viên ngành Khoa học Máy tính của trường Đại học CMC tiếp cận công nghệ hiện đại, mở ra cơ hội phát triển trong tương lai.
CAM KẾT VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN SAU KHI RA TRƯỜNG
Với mạng lưới doanh nghiệp liên kết trong nước và quốc tế và lợi thế trực thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC, đại diện Trường Đại học CMC khẳng định, nhà trường cam kết việc làm cho 100% sinh viên ngành Khoa học Máy tính hệ song ngữ nhập học năm 2023.
Theo đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cam kết việc làm tại Tập đoàn Samsung, Microsoft và các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC như: CMC Telecom, CMC Global, CMC Technology & Solution, CMC Cyber security…
Không chỉ đảm bảo việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp, với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) - nơi nghiên cứu các ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản phẩm cho Tập đoàn CMC, sinh viên ngành Khoa học Máy tính có cơ hội được trau dồi khả năng thực hành, nghiên cứu khoa học trong các dự án thực tế.
100% MÔN HỌC CHUYÊN NGÀNH ĐƯỢC ĐÀO TẠO BẰNG TIẾNG ANH
Với chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính hệ song ngữ, 100% các môn học chuyên môn sẽ được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Theo đó, hầu hết các ngôn ngữ lập trình, mạng máy tính, thuật toán,.... đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Chính vì vậy việc đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh cho sinh viên sẽ tạo nên một lợi thế lớn khi bắt tay vào công việc thực tế sau khi tốt nghiệp.
Yêu cầu tiếng Anh đầu vào đối với hệ Song ngữ Trường Đại học CMC là IELTS 5.5 hoặc B2 hoặc tương đương. Trường hợp chưa có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc tương đương, sinh viên sẽ tham gia bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào và được xếp lớp tương ứng với trình độ tiếng Anh của mình. Sau khi hoàn thành cấp độ 6 của chương trình tiếng Anh của trường, sinh viên sẽ được vào học học kỳ 1 chương trình chính khóa.
“Ngoại ngữ vẫn luôn là một điểm yếu của nhân sự các ngành Công nghệ nói chung. Sinh viên có nền tảng tiếng Anh tốt sẽ có lợi thế cạnh tranh và mức lương cao hơn trên thị trường lao động.”, ông Nguyễn Quốc Chư - Trưởng phòng Nhân sự, CMC Global cho hay.
Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên hệ song ngữ, Trường Đại học CMC dự kiến trao 450 suất học bổng và hàng trăm suất ưu đãi từ quỹ "CMC - Vì bạn xứng đáng" với tổng trị giá lên đến 96 tỷ đồng cho các thí sinh có thành tích xuất sắc năm 2024.
Theo đó, một trong những điều kiện để thí sinh tham gia xét học bổng "CMC khai phóng" trị giá 100% học phí toàn khóa học, đó là sở hữu chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 trở lên hoặc tương đương, kết quả học tập học kỳ 1 của lớp 12 không có môn nào dưới 8,0 điểm trong tổ hợp xét tuyển. Đối với học bổng 70% và 50%, điểm chứng chỉ IELTS lần lượt là 7.0 và 6.5 điểm.