August 14, 2024 | 18:24 GMT+7

Trường hợp được tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung để có lương hưu cao

Thu Hằng -

Với việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động và người sử dụng lao động có thêm sự lựa chọn đóng góp, để sau này được hưởng mức lương hưu cao hơn…

Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.
Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam.

Luật hiện hành quy định bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện, nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng thời, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã bổ sung một chương để quy định về loại hình bảo hiểm này.

Theo Luật mới, bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động.

Luật đã quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, và chính sách của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm này. Từ đó, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp, để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Cụ thể, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động. Vì thế, mức đóng cũng do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận. Khoản đóng góp vào quỹ này được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.

Hoạt động quản lý quỹ thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.

Luật cũng nêu rõ, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách Nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.

Nguồn hình thành quỹ bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ. Quỹ được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.

Theo quy định hiện nay tại Điều 24 Nghị định 88/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về nguyên tắc chi trả từ quỹ hưu trí, thì mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người lao động được xác định theo 2 nội dung: (1) Giá trị tài khoản hưu trí cá nhân; (2) Kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.

Nghị định 88/2016/NĐ-CP cũng quy định các hình thức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung gồm: Chi trả hằng tháng; chi trả 1 lần (sau 10 năm).

Đối với chi trả hằng tháng, thời gian nhận chi trả khi người tham gia quỹ đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 10 năm.

Mức chi trả hằng tháng do đối tượng nhận chi trả lựa chọn. Tuy nhiên, tối đa không vượt quá tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu, chia cho 120 tháng.

Trường hợp mức chi trả hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở: Mức chi trả hằng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở, cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân.

Tại Luật mới, Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.

Đồng thời, hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Hiện, người lao động và người sử dụng lao động đang chỉ đóng 22% mức lương vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong khi đó mức hưởng lương hưu tối thiểu là 33,75% đối với lao động nam, và 45% đối với lao động nữ (tương ứng 15 năm đóng). Mức trần tối đa đều là 75%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate