Quy định mới này trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 là tin vui với nhiều người hưu trí đang có mức lương thấp.
THU HẸP KHOẢNG CÁCH CHÊNH LỆCH LƯƠNG HƯU
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và Luật mới đều quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, ngoài quy định nguyên tắc điều chỉnh lương hưu như trên, một trong những điểm mới được bổ sung tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, là quy định thêm việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, đối với đối tượng có mức lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước năm 1995. Đây là chính sách nhằm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu, giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995.
Theo ông Cường, đây là quy định nhằm thể chế hóa nội dung đã được nêu trong Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. “Việc điều chỉnh lương hưu là tương đối độc lập trong mối tương quan giữa tăng lương của những người đang đi làm”, ông Cường nói.
Thời gian qua, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề án đổi mới cách thức, phương thức tính lương hưu.
Có những năm, lương hưu của công chức, viên chức không điều chỉnh, nhưng lương hưu, và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng vẫn được điều chỉnh thường xuyên.
Gần đây nhất, khi thực hiện Nghị định 75 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, ngoài thực hiện điều chỉnh tăng 15% theo mức chung, từ ngày 1/7/2024, những người có lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/tháng, đã được tăng lần nữa để đạt được mức này.
“Tới đây, trong thực hiện quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, cũng như các chủ trương, chính sách đã có, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, đề xuất các phương án cải thiện mức lương hưu đối với những người có lương hưu thấp.
Việc này đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc quy định của luật, đó là điều chỉnh lương hưu thỏa đáng cho người có lương hưu thấp, và người nghỉ hưu trước năm 1995”, ông Cường nhấn mạnh.
TỶ LỆ HƯỞNG LƯƠNG HƯU TỐI THIỂU CỦA NAM TĂNG LÊN 40%
Một trong những quy định mới nữa về lương hưu tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, là quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu lên 40%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%. Tương ứng số năm đóng 15 năm, lao động nữ hưởng 45%. Còn nam muốn đạt tỷ lệ hưởng 45%, cần 20 năm đóng.
Cả lao động nam và nữ sau khi đạt tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, cứ mỗi năm đóng thêm sẽ được cộng 2%. Mức tối đa cho cả hai nhóm đều là 75%, song nữ cần đóng đủ từ 30 năm bảo hiểm xã hội trở lên, còn nam là từ đủ 35 năm.
Lý giải về việc không điều chỉnh chênh lệch tỷ lệ lương hưu của nam và nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội mới, mà chỉ bổ sung tỷ lệ hưởng với lao động nam đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường cho rằng để phù hợp với cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Với quy định như trên, tỷ lệ lương hưu của nam và nữ khi đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội có sự chênh lệch 5%. Còn khi đóng đủ 20 năm, khoảng cách này tăng lên 10%.
Ông Cường cho hay hiện nay, tỷ lệ tích lũy, tức tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam bình quân là 2,14% đối với nam, và 2,5% đối với nữ. Trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc, tỷ lệ này chỉ là 1%. Còn bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.
Theo ông Cường, trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu từng được đặt ra. Song, sau khi đánh giá các tác động, cũng như khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm xã hội, chủ trương của Luật mới là kế thừa luật hiện hành. Như vậy, luật mới không thay đổi công thức tính lương hưu chung.
Mặt khác, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã sửa quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu rất lớn. Từ năm 2018 đã có lộ trình thay đổi cách tính lương hưu đối với cả lao động nữ và nam.
Vì thế, luật mới chỉ bổ sung cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
Một lí do nữa theo ông Cường để xem xét tỷ lệ lương hưu của nam và nữ trong luật hiện hành là tuổi nghỉ hưu, chênh nhau 5 tuổi. Điều này dẫn đến câu chuyện, nam và nữ chênh nhau 5 năm đóng để được hưởng mức tối đa 75%.
Tuy nhiên, tới đây, tiếp tục lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ sẽ tiệm cận nhau, nam 62 và nữ 60 tuổi.
Theo lộ trình này, tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ. Như vậy, mỗi năm chênh lệch của nam và nữ chỉ là 1 tháng. Để thu hẹp khoảng cách chênh lệch còn 2 năm thì cần đến năm 2035.
Do đó, trong quá trình xây dựng luật, dù có nhiều ý kiến về việc có nên điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu không, nhưng sau đánh giá cho thấy không khả thi.
“Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chỉ điều chỉnh tỷ lệ lương hưu đối với nhóm hưởng lương hưu mới phát sinh, còn lại giữ nguyên như quy định hiện hành”, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.
Hơn nữa, tuổi nghỉ hưu chỉ là một căn cứ. Việc cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội mới mang tính quyết định trong điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu.