April 22, 2024 | 10:59 GMT+7

Truy thu thuế giá trị gia tăng đối với phí giao dịch L/C liệu có hợp lý?

Đỗ Mến -

Theo chuyên gia luật, cơ sở pháp lý của việc truy thu thuế giá trị gia tăng đối với phí giao dịch L/C từ 01/01/2011 nên được xem xét lại một cách thỏa đáng trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sắp có hiệu lực (ngày 1/7/2024).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - Uniform Custom and Pratice for Documentary Credits (“UCP”) được phòng Thương mại Quốc tế (“ICC”) soạn thảo và ban hành lần đầu vào năm 1933 được xem là tập quán thương mại quốc tế quan trọng và thông dụng nhất liên quan đến L/C.

NGÂN HÀNG ĐÃ THAM CHIẾU, ÁP DỤNG UCP TỪ NHỮNG NĂM 1990

Luật sư Nguyễn Huy Hoàng (Công ty luật Bross and Partners), chuyên gia ngân hàng cho biết, qua nhiều lần sửa đổi, năm 2007, ICC đã ban hành phiên bản UCP mới nhất là “UCP 600”.

Tuy nhiên, việc ban hành các phiên bản mới của UCP không đồng nghĩa với việc bãi bỏ hiệu lực áp dụng của các phiên bản UCP đã được ban hành trước đó, mà nhằm điều chỉnh phù hợp với đặc thù của nhiều hình thức giao dịch và yêu cầu của các bên đối với phương thức thanh toán này trong từng giai đoạn.

Theo luật sư, thực tế, UCP 500 (sau này UCP 600) đã được pháp luật Việt Nam công nhận và được tất cả các ngân hàng tại Việt Nam tham chiếu và áp dụng từ những năm 1990.

Sau này, điểm a khoản 4 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định rõ “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm: a) Tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành”.

Khoản 1 Điều 3 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 cũng khẳng định lại “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại sau đây: 1. Tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại quốc tế ban hành”.

Do đó, cho dù nếu pháp luật ngân hàng không quy định cụ thể về nghiệp vụ liên quan đến L/C, việc các ngân hàng áp dụng các quy định của UCP để cung cấp dịch vụ L/C của khách hàng hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật Việt Nam công nhận.

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT KHÔNG PHỦ NHẬN TÍNH CHẤT TÍN DỤNG CỦA L/C

Luật sư Nguyễn Huy Hoàng cũng cho rằng, mặc dù các ngân hàng tại Việt Nam đã tham chiếu và áp dụng quy định của UCP từ những năm 1990, song cho đến năm 2010, L/C mới được luật hóa bởi quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2010.

Bên cạnh công nhận và cho phép ngân hàng và các tổ chức, cá nhân được quyền thỏa thuận áp dụng UCP thì Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 quy định L/C là một trong các loại dịch vụ thanh toán.

Đối với thuộc tính tín dụng của L/C, mặc dù các ngân hàng đã cung cấp các nghiệp vụ có tính chất tín dụng đối với khách hàng từ lâu như: ký quỹ 100% tiền gửi thanh toán để đảm bảo thanh toán L/C, thẩm định và ký thỏa thuận vay vốn (cho vay theo món hoặc hạn mức) để cho vay bắt buộc (nếu không có hoặc không đủ tiền gửi thanh toán) trước khi phát hành L/C, nhưng về góc độ quy định của pháp luật, không có văn bản nào quy định hoặc định nghĩa trực tiếp L/C là hoạt động cấp tín dụng cho đến khi NHNN ban hành Thông tư số 22.

Luật sư nhấn mạnh, trước đó, trong thời gian từ ngày 01/01/2011 cho đến khi Thông tư 22 có hiệu lực vào ngày 01/01/2020, NHNN có ban hành một số Thông tư có đề cập đến L/C nhưng không có điều khoản nào quy định hoặc định nghĩa L/C là hoạt động cấp tín dụng.

Bản thân khoản 11 Điều 3 Thông tư 22 định nghĩa, cam kết phát hành dưới hình thức L/C chỉ là một trong những nghiệp vụ liên quan đến L/C theo UCP 600, là một hoạt động cấp tín dụng.

Thực tế, trước khi có Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, NHNN có ban hành một số quy định dưới luật về quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm (L/C trả chậm), trong đó gần nhất là Quyết định số 711/2001/QĐ-NHNN ngày 25/05/2001.

Theo đó, các ngân hàng đủ điều kiện theo Quyết định 711 được cung cấp dịch vụ thanh toán bằng L/C trả chậm để nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp. Để được ngân hàng phát hành L/C trả chậm, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 8 Quyết định 711, trong đó phải “có bảo đảm hợp pháp (Bằng một hoặc nhiều hình thức như: ký quỹ, cầm cố, thế chấp tài sản hoặc được bên thứ ba bảo lãnh) cho việc mở L/C trả chậm theo yêu cầu của Ngân hàng”.

Ngoài ra, Điều 13 Quyết định số 711 quy định: Nếu Doanh nghiệp không chuyển tiền (toàn bộ hoặc một phần) cho Ngân hàng theo đúng cam kết, Ngân hàng vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán với nước ngoài và được quyền ghi nợ khách hàng kể từ ngày thanh toán”.

Khoản 2, Điều 6, Quyết định 711 cũng quy định ngân hàng phải ban hành quy trình, thủ tục và hồ sơ cần thiết để thực hiện nghiệp vụ L/C trả chậm theo quy định của UCP.

“Rõ ràng, với quy định trên của Quyết định 711 chúng ta có thể hiểu L/C mà các ngân hàng đã cung cấp có thuộc tính tín dụng tương tự như hoạt động bảo lãnh ngân hàng”, luật sư nói thêm.

TRUY THU THUẾ LIỆU CÓ PHÙ HỢP VỚI QUY ĐỊNH LIÊN QUAN?

Theo Công văn 1606/TCT-DNL ngày 22/04/2020, Tổng cục thuế yêu cầu truy thu thuế giá trị gia tăng đối với phí giao dịch L/C từ ngày 1/1/2011. Vậy việc truy thu thuế liệu có phù hợp với các quy định liên quan?

Luật sư Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, khoản 14 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 quy định “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.

Mặc dù Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 không quy định và định nghĩa rõ L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán cho đến khi NHNN ban hành Thông tư 22, tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 3 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 quy định “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm: a) Tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành”.

Thực tế, căn cứ quy định này và quy định trước đó tại khoản 2 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng số 07/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và các quyết định của NHNN ban hành quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm, các ngân hàng được phép đã cung cấp các nghiệp vụ của L/C theo UCP (phiên bản 500 và 600) và các nghiệp vụ có tính chất tín dụng liên quan đến L/C như:  ký quỹ 100% tiền gửi thanh toán để đảm bảo thanh toán L/C, thẩm định và ký thỏa thuận vay vốn (cho vay theo món hoặc hạn mức) để cho vay bắt buộc (nếu không có hoặc không đủ tiền gửi thanh toán) trước khi phát hành L/C, …

Đồng thời, hầu hết các ngân hàng đã ban hành quy trình mở và thanh toán L/C kèm với quy trình phê duyệt và cấp tín dụng liên quan đến L/C làm cơ sở cho việc thực hiện các nghiệp vụ L/C tại ngân hàng mình.

Hơn nữa, quan trọng hơn, cho đến nay, không có bất kỳ văn bản, quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận rằng các nghiệp vụ liên quan đến L/C mà các ngân hàng đã và đang triển khai trên là không phù hợp với quy định pháp luật.

Do đó, cho dù Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 không quy định và định nghĩa rõ L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng song dựa vào các căn cứ trên có thể thấy L/C là hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán.

Theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2016, các đối tượng không phải chịu thuế GTGT bao gồm dịch vụ cấp tín dụng, trong đó có nghiệp vụ “cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật”.

Khoản 14 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 quy định “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.

Để quy định rõ tính chất tín dụng của hoạt động L/C, Thông tư 22, tại khoản 11 Điều 3, định nghĩa cam kết phát hành dưới hình thức L/C là một trong những hình thức cấp tín dụng.

Như vậy, theo luật sư Hoàng, việc các ngân hàng cung cấp nghiệp vụ L/C là theo UCP mà UCP là tập quán thương mại quốc tế được pháp luật Việt Nam công nhận.

Do đó, cho dù Thông tư 22 chỉ định nghĩa cam kết phát hành dưới hình thức L/C là một trong những hình thức cấp tín dụng cũng không phủ nhận các nghiệp vụ khác liên quan đến L/C đã và đang được các ngân hàng triển khai là phù hợp với quy định của pháp luật và nếu xét về bản chất nó chính là “hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật” mà cả Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 và Luật thuế giá trị gia tăng quy định.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của Luật này”.

Do đó, nếu thực sự có sự khác nhau về quy định hoạt động L/C giữa Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 và Luật thuế giá trị gia tăng, quy định về L/C của Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 được ưu tiên áp dụng.

Hơn nữa, trong suốt một thời gian dài, các ngân hàng đều xử lý việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng đối với L/C như là một đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST ngày 06/09/2010.

Mặc dù Công văn 11754 được ban hành trước khi Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (01/01/2011), trong suốt thời gian từ 01/01/2011 cho đến những năm gần đây, Bộ Tài chính cũng không có hướng dẫn nào khác đối với việc thu thuế giá trị gia tăng đối với L/C để thay thế Công văn 11754.

Chính vì vậy, tính chất cấp tín dụng của L/C là một sự thật được công nhận một cách rõ ràng, thống nhất và ổn định trên thực tế.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 không quy định và định nghĩa rõ L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán song căn cứ (i) các quy định pháp luật có liên quan, (ii) việc cung cấp hợp pháp các nghiệp vụ liên quan đến L/C của các ngân hàng được phép và (iii) việc quản lý, giám sát việc kê khai, đóng thuế giá trị gia tăng của các ngân hàng của cơ quan thuế có thể nhận định L/C là hoạt động cấp tín dụng và việc truy thu thuế giá trị gia tăng đối với phí giao dịch L/C từ ngày 01/01/2011 là chưa phù hợp và cần được xem xét tránh để các ngân hàng gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng.      

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate