Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050”.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Chính phủ Việt Nam cũng nói sẽ tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí metan trong sản xuất nông nghiệp giảm 10%.
Cam kết Việt Nam đưa ra đã thể hiện bản lĩnh tiên phong tại khu vực Đông Nam Á, nơi nhiệt điện và khai thác than đã tăng mạnh trong nhiều thập niên gần đây khi nhu cầu năng lượng tăng lên. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trước mắt, Việt Nam cần sớm loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó, có các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội thực sự để đối phó với biến đổi khí hậu và chào đón các nhà đầu tư năng lượng xanh trong tương lai.
Một báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Australia đánh giá về năng lượng tái tạo của khu vực Đông Nam Á cho thấy Việt Nam có thể đạt hơn 90% tỷ lệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong cơ cấu nguồn, cùng với việc tích trữ năng lượng qua thủy điện.
Đặc biệt, năng lượng gió ngoài khơi có tiềm năng lớn để cung cấp điện và góp phần giảm đáng kể khí thải nhà kính. Những thành công gần đây của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng mặt trời và điện gió trên đất liền đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Măc dù vậy, để hiện thực hóa một cam kết nhiều tham vọng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, sự hỗ trợ quốc tế và vai trò đặc biệt của các doanh nghiệp.
NHỮNG ĐỘNG THÁI TIÊN PHONG
Ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị COP 26, Total Eren (Pháp) và T&T Group (Việt Nam) đã trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, hai tập đoàn sẽ cùng nhau xem xét các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền của T&T Group đã vận hành thương mại và đang đầu tư xây dựng, nhằm mục đích cho phép Total Eren tham gia sở hữu một phần các dự án được lựa chọn trên cơ sở hợp lý và công bằng, phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Hai bên cũng thống nhất cùng đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỉ USD. Total Eren là Công ty năng lượng tái tạo đa ngành thuộc Tập đoàn Dầu khí Total Energies - Top 3 các Tập đoàn lớn nhất của Pháp và top 5 các Tập đoàn lớn nhất Thế giới về Năng lượng, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chinh phục 100.000 Mw năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Hiện Total Eren đã đầu tư trên 3,5 GW điện gió, điện mặt trời tại 20 quốc gia và Total Eren đã chọn Tập đoàn T&T Group là đối tác đầu tiên và chiến lược tại Việt Nam để cùng thực hiện mục tiêu chinh phục các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trước đó, tại cuộc tiếp kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Total Patrick Pouyanne cho biết, tập đoàn rất quan tâm thị trường Việt Nam với nhu cầu năng lượng sẽ gia tăng song song với quá trình phát triển; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác về các dự án năng lượng tái tạo. Thoả thuận hợp tác giữa Total Eren với Tập đoàn T&T Group là nhằm hiện thực hoá mong muốn này của Tập đoàn Total.
Trước đó 3 ngày, Standard Chartered - định chế tài chính quốc tế hàng đầu có trụ sở chính tại Vương quốc Anh cũng đã ký biên bản ghi nhớ với T&T Group về việc tài trợ vốn cho các dự án môi trường và xử lý chất thải, điện khí LNG, năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Standard Chartered cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh mà Tập đoàn T&T Group triển khai tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến một số dự án như Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế tại tỉnh Thái Nguyên, dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tại Hưng Yên, dự án Nhà máy xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn tại Hà Nội, dự án Trung tâm điện khí Hải Lăng công suất 1.500 MW tại tỉnh Quảng Trị, các dự án năng lượng tái tạo hiện nay của T&T Group…
Những động thái tức thời sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy mức độ hấp dẫn của thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để các dự án thành công, bên cạnh cơ chế của Chính phủ, điều kiện đủ là phải có sự hợp tác, tham gia của một tập đoàn uy tín trong nước, và T&T Group là một cái tên như vậy.
T&T Group là một trong những tập đoàn tiên phong của Việt Nam bắt tay cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết về năng lượng xanh. Từ cách đây 10 năm, tập đoàn đã tích cực nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển năng lượng tái tạo để đón đầu cơ hội.
Riêng trong năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245MWp. Trong năm 2021, T&T Group dự kiến đưa vào vận hành 5 nhà máy điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng trong cả nước với tổng công suất 530MW. Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000-11.000MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.
Chiến lược bài bản giúp T&T Group luôn là cái tên hàng đầu trong mắt các nhà đầu tư quốc tế khi quyết định hợp tác tiến vào thị trường năng lượng Việt Nam.
“Tầm nhìn và chiến lược phát triển năng lượng của T&T Group phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia. Việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp T&T Group đẩy nhanh tiến độ triển khai hoạch định trên, cũng như đem lại cho chúng tôi những kinh nghiệm và nguồn tài chính quốc tế quý báu trong việc thực hiện các dự án tại Việt Nam”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T Group chia sẻ.
TẠO LẬP GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
Chiến lược hợp tác với những tập đoàn hàng đầu thế giới đã được T&T Group theo đuổi từ lâu. Hồi tháng 9, T&T Group và Ørsted (Đan Mạch) - nhà sản xuất điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo đó, hai tập đoàn dự kiến phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận với công suất lắp đặt ước tính gần 10GW, với tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỉ USD, được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm.
Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận - những khu vực được các chuyên gia đánh giá thích hợp nhất cho phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Matthias Bausenwein, Chủ tịch Ørsted Châu Á Thái Bình Dương cho biết, đến năm 2030, Ørsted đặt mục tiêu tạo ra công suất 30 GW điện gió ngoài khơi. Trong đó, Việt Nam là sẽ là một trong những thị trường có đóng góp quan trọng. Để mục tiêu thành công, Ørsted sẽ hợp tác chặt chẽ với T&T Group tại dự án điện gió tại Ninh Thuận và Bình Thuận.
“Chúng tôi sẽ không thể thành công trong việc tạo ra một thế giới hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh, nếu không có sự hỗ trợ của các công ty lớn ở mọi quốc gia. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi thấy một công ty đầu ngành như T&T Group cùng chung tay tạo ra một tương lai ngày càng xanh hơn ở Việt Nam”, ông Matthias Bausenwein chia sẻ.
Về phần T&T Group, cùng với các thỏa thuận triển khai dự án điện gió, tập đoàn còn đề xuất xây dựng khu công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng các thiết bị phục vụ công nghiệp xanh, năng lượng xanh tại khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận.
Dự án có tổng công suất 13,5 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Trong giai đoạn 1, dự kiến sẽ sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Mục đích ra đời của khu công nghiệp nhằm nội địa hóa dần từng hạng mục, trang thiết bị của dự án năng lượng tái tạo.
Không đề cập chi tiết, song tham vọng của T&T Group khi triển khai khu công nghiệp phụ trợ có thể hướng tới mức cao nhất trong ngành điện gió đó là sản xuất được tua bin gió nội địa. Trên thực tế, khi tham gia vào các dự án điện gió, các quốc gia đều có tham vọng sản xuất tua bin gió nội địa, bởi đây là ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, một chiếc tua bin gió thông thường bao gồm 8.000 chi tiết có liên quan đến rất nhiều ngành sản xuất phụ trợ khác nhau, sản xuất tuabin gió đồng nghĩa với việc đem tới nhiều việc làm.
Đồng thời, việc phát triển sản xuất tua bin gió nội địa sẽ giúp các quốc gia làm chủ công nghệ, giảm được chi phí đầu tư dự án cũng như chi phí vận hành và bảo trì. Thêm vào đó, tua bin gió có đặc trưng là kích thước lớn, chi phí vận chuyển cao. Theo General Electric, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 20% chi phí của một chiếc tua bin, trong khi đó chi phí của tua bin thường chiếm 33% chi phí của một dự án điện gió. Vì vậy, các tua bin sản xuất nội địa sẽ giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả tài chính của các dự án điện gió.
Mục tiêu T&T Group đặt ra khi bắt tay với các tập đoàn quốc tế không chỉ là năng lượng xanh mà còn các yếu tố nền tảng. Đó là công nghệ sản xuất năng lượng xanh. Người đứng đầu T&T Group tin rằng chỉ có làm chủ được công nghệ, Việt Nam mới có thể phát triển năng lượng xanh nhanh chóng và bền vững, tạo nền móng để mở rộng ra cả nền công nghiệp xanh, không chỉ phục vụ trong nước mà còn để xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.