Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 nêu rõ thời gian làm việc của người lái ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Cụ thể, thời gian làm việc của người lái xe phải bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo đó, thời gian lái xe của người lái ôtô không quá 10 giờ một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ.
Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị vận tải nội bộ và người lái ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này.
Trước đó, tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Theo đó, thời gian làm việc tối đa của người tài xế xe ô tô là 10 giờ/ngày (không được quá 10 giờ/ngày) và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Ngoài ra, người vận tải và người lái xe ô tô phải chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp vi phạm quy định này, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, theo Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định việc giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23, điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23, điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này. Đối với công ty là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.