August 03, 2024 | 17:42 GMT+7

Từ 1/7/2025, thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Thu Hằng -

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ ngày 1/7/2025, để được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, lao động nam cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, với lao động nữ là cao hơn 30 năm…

Người nhận lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.
Người nhận lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Đây là một trong những nội dung mới tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định, điều kiện để hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đã thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Theo đó, từ ngày 1/7/2025, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu như sau: Đối với lao động nam, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm. Đối với lao động nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm.

Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn thời gian nêu trên bằng 0,5 lần, của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì mức trợ cấp bằng 2 lần, của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định, kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, đến thời điểm nghỉ hưu.

Theo Luật mới, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/1995, đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2001, đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2007, đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016, đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020, đến ngày 31/12/2024, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Chính phủ cũng sẽ quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate