February 09, 2010 | 11:18 GMT+7

Từ Cà Mau, nghĩ về phát triển bền vững

TS. Trần Văn

Việt Nam đang là một trong một số ít nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu

Phát triển bền vững là việc đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu hiện tại của loài người đồng thời với việc cải thiện chất lượng cuộc sống của thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai.
Phát triển bền vững là việc đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu hiện tại của loài người đồng thời với việc cải thiện chất lượng cuộc sống của thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai.
Bi kịch biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt bởi nó tàn phá môi sinh trên toàn cầu. Việc mỗi thành viên trong cộng đồng hành động độc lập theo lý trí nhằm phục vụ lợi ích cục bộ có thể tối đa hóa lợi ích đó trong ngắn hạn nhưng sẽ làm cạn kiệt tài sản chung…”.

Bản tin sớm về Hội nghị Copenhagen khiến tôi không thể tập trung tận hưởng không khí trong lành buổi bình minh của đất mũi Cà Mau được nữa. Những rừng đước xanh tươi ngoài kia có thể sẽ không còn sau vài chục năm. Những người nông dân sẽ không còn rạng rỡ trước những mẻ lưới đầy tôm cá nữa. Vì nước biển dâng cao sẽ làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên từ nhiều đời nay, mà không hẳn do lỗi của họ… Lòng tôi chùng lại, cảm giác về sự bất công cứ dâng lên.

Nhưng đâu chỉ có vùng cực nam tổ quốc Cà Mau, mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang bị tổn thương, thiệt hại về sinh thái. Bởi, Việt Nam đang là một trong một số ít nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

Bởi vậy, thời gian qua, nước ta đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều biện pháp, hành động ứng phó với vấn đề này. Thực tế thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 đã cho thấy, phát triển kinh tế với ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường là những nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình phát triển.

Kinh tế có thể phát triển, nhưng chất lượng cuộc sống của người dân chậm được cải thiện, môi trường sinh thái bị huỷ hoại có thể là  bức tranh thời tương lai của bất kỳ quốc gia nào, nhất là các nước nghèo, xuất phát điểm thấp. Tìm ra một hướng phát triển mới góp phần cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình tam giác phát triển là kết quả nghiên cứu được công bố năm 2009 của một số chuyên gia kinh tế có uy tín trên thế giới.

Tam giác phát triển này gồm có 3 đỉnh: xã hội, kinh tế và môi trường sinh thái. Cả 3 yếu tố này vừa hướng về các mục tiêu riêng biệt khác nhau, vừa có thể tích hợp, lồng ghép với nhau tạo thành một thực thể hoàn chỉnh. Tâm của tam giác, nơi hội tụ các yếu tố phát triển bền vững, trọng tâm của các chính sách vì “con người” và “chất lượng cuộc sống” là kịch bản phát triển tối ưu nhất, bền vững nhất.

Tuy vậy, các trọng tâm có thể chuyển dịch từ đỉnh tam giác này đến đỉnh tam giác khác tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia, hay nhóm quốc gia trong những giai đoạn phát triển nhất định. Khi đó các quốc gia này đã tập trung vào giải quyết từng cặp đỉnh tam giác, hay là từng cặp yếu tố riêng rẽ, trong từng giai đoạn riêng rẽ, như nhóm vấn đề mang tính chất kinh tế - xã hội, hay kinh tế - môi trường, hay xã hội - môi trường,…

Lý thuyết của tam giác bền vững bắt nguồn từ nguyên tắc tất cả 3 yếu tố của phát triển bền vững đều có giá trị ngang nhau. Bền vững sinh thái có  thể được hiểu là khi con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho sự tồn tại của mình thì không được sử dụng vượt quá khả năng tự cân bằng của hệ sinh thái. Bền vững sinh thái ở đây bao gồm cả nội dung hệ sinh thái và tài nguyên, môi trường.

Bền vững kinh tế chính là bảo toàn được nguồn vốn kinh tế. Tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem lại khả năng phát triển vô hạn trong khi tài nguyên thiên nhiên lại có giới hạn. Yêu cầu phát triển về kinh tế không chỉ để chống lại đói nghèo ở các nước đang phát triển mà còn chống lại sự bất công trong việc tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên. Việc phát triển các công nghệ kỹ thuật tiên tiến hướng tới môi trường chính là để hạn chế việc sử dụng hoang phí tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với bền vững sinh thái và bền vững kinh tế, bền vững xã hội là một yêu cầu không thể thiếu được trong bất kỳ chiến lược hay kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực, quốc gia, địa phương vì đây cũng chính là cấu trúc xã hội của mọi xã hội. Có 3 yếu tố bền vững xã hội là niềm tin, chuẩn mực và mạng lưới xã hội và 4 thước đo là hòa nhập xã hội, kết nối xã hội trong cộng đồng, các mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự và chất lượng các định chế nhà nước.

Phát triển bền vững là khái niệm đa chiều, bao gồm các đại lượng khác nhau trong một thực thể thống nhất, trong cơ cấu phát triển hài hòa hay trong quan hệ tự nhiên (gồm cả đồng thuận hay mâu thuẫn). Vì vậy có thể coi phát triển bền vững là việc đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu hiện tại của loài người đồng thời với việc cải thiện chất lượng cuộc sống của thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai.

Mô hình đã xây dựng phương pháp toán học để tính toán định lượng tác động tích hợp của các xu thế phát triển trong ba nhóm yêu cầu về kinh tế, xã hội và sinh thái bền vững hay còn gọi là tam giác phát triển bền vững, từ đó xác định được các chỉ tiêu phát triển cho từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương. Từ đó có thể xác định được yêu cầu chi tiêu công, xây dựng chính sách tài chính công, chính sách tài khóa, lên phương án phân bổ ngân sách nhà nước cả ở Trung ương cũng như ở địa phương, điều chỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu  tổng quát cũng như chi tiết.

Chiến lược phát triển bền vững được xây dựng dựa trên việc ban hành hàng loạt các chính sách về kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội. Theo đó, yêu cầu phát triển cân bằng chính là việc phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố để điểm giao thoa tại trọng tâm của tam giác, là đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống, ngày càng được mở rộng.

Để vận hành mô hình này thì nhiệm vụ quan trọng nhất của các cấp chính quyền là phát hiện ra các mất cân đối trong đời sống kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch thực hiện, với các chính sách, giải pháp, bước đi cụ thể để khắc phục các mặt bất cân đối đó để phát triển.

Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cũng xác định 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột trọng tâm chính. Theo đó, nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế gắn kết với quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

Từ cách đặt vấn đề, phân tích và xử lý vấn đề mang tính khoa học và thực tiễn cao, mô hình tam giác phát triển bền vững như đã trình bày ở trên có thể áp dụng để tính toán cụ thể cho Việt Nam để đưa ra một số chỉ tiêu mang tính đặc thù cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, hoặc cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Nếu áp dụng thành công, hình ảnh người nông dân với những mẻ lưới đầy tôm cá hay những cánh rừng đước xanh tươi lấn dần ra biển sẽ không chỉ còn là trong dĩ vãng đối với thế hệ trẻ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate