Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/111.
TỰ CHỦ NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC QUYẾT GIÁ
Tại tọa đàm, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra nhiều khó khăn mà đơn vị này gặp phải khi thực hiện tự chủ toàn diện. Đó là thiếu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế đắp chiếu. Theo ông Cơ, hiện bệnh viện đang rất vướng, toàn bộ thiết bị như cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, máy phẫu xạ hiện tại có những cái đã hết hợp đồng, có những cái vướng vào thủ tục pháp lý. Cả hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật hoặc không hoạt động, hoặc hết hợp đồng liên doanh liên kết, phải đắp chiếu.
Nguyên nhân do cơ chế ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng, nên khi được các cơ quan kiểm tra thì có những sai phạm. Do vậy không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của bệnh viện ở thời điểm hiện tại là chênh lệch thu chi rất thấp.
“Khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của bệnh viện rất thấp, mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế bệnh viện thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế.
Bệnh viện chưa bao giờ được tự chủ về giá, hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy, bởi bệnh viện xác định mình là bệnh viện công lập, tuyến cuối với nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía Bắc chuyển về, các bệnh viện ở Hà Nội chuyển đến”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Theo ông Cơ, trên 90% bệnh nhân đến bệnh viện là người hưởng bảo hiểm y tế, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa. Vì vây, bệnh viện không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế.
“Chênh lệch thu chi không có, bởi giá bảo hiểm y tế chúng ta xây dựng cũng khá lâu rồi, chỉ thu một phần viện phí, tức là chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Bệnh viện mặc dù đông bệnh nhân nhưng tất cả các khoản phải chi tất, từ chi cho con người, chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy trì bảo dưỡng. Thu không đủ để chi”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trăn trở.
Khó khăn về tài chính khiến dù là bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện không thể giữ chân được cán bộ giỏi. Ông Cơ cho biết có người ưu tú chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao đã rèn luyện ở bệnh viện 5-10 năm được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc. Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng.
Ông Cơ cho rằng những vướng mắc trên là do khó ở cơ chế. Vì vậy, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị cần cơ chế hoạt động công khai, minh bạch để thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là: Tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới hiện đại trước khi chuyển giao cho tuyến sau. “Chúng tôi cần cơ chế chính sách phù hợp”, ông Cơ nhấn mạnh.
Tương tự, tại Bệnh viện K, GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện thừa nhận thách thức khi thực hiện tự chủ rất nhiều, như vốn ở đâu để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và công nghệ; hai là tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế.
“Chúng tôi đang xây dựng Bệnh viện K cơ sở 1, mới xây dựng phần thô thôi mà cần 1.020 tỷ đồng. Nếu tự chủ thì chắc chắn không thể lo được, mà khi xây xong chưa đi vào hoạt động được cũng là một bài toán rất khó cho lãnh đạo cho bệnh viện”, ông Quảng dẫn chứng.
CẦN CƠ CHẾ HƠN CẦN TIỀN
Từng nhiều năm trực tiếp quản lý bệnh viện, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, cho rằng một người làm quản lý cần nhất là cơ chế, và "cần cơ chế nhiều hơn cần tiền".
Theo ông Trí, tự chủ rất cần thiết, rất quan trọng và phải cố gắng hết sức để làm cho được. Tuy nhiên, vấn đề là tự chủ ở mức nào? Ông Trí nêu quan điểm, chỉ nên tự chủ ở mức 2, mức 3 (chi thường xuyên, chi một phần), không có mức thứ nhất là tự chủ toàn diện, bao gồm cả đầu tư. Dù là chủ trương rất đúng, là cơ chế rất hay song ông Trí cho rằng, nếu tự chủ quá mức vô tình sẽ thành tư nhân hóa.
“Tôi rất ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai, kể cả Bệnh viện K trong việc tự chủ toàn diện nhưng theo Nghị quyết 33 thì tôi không ủng hộ. Tôi đề nghị rất nhanh chóng quay trở lại tự chủ ở mức 2 hoặc mức 3, tốt nhất là ở mức tương ứng trong Nghị quyết 60. Đó là tự chủ có chi thường xuyên”, ông Trí đề xuất.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh nếu không tính toán mà đã xây dựng và giao chuyển tự chủ cho các bệnh viện khi chưa đủ điều kiện thì "lợi bất cập hại", "gậy ông đập lưng ông".
Theo ông Lợi, chưa tự chủ toàn diện được do 3 vấn đề: Thể chế; tổ chức thực hiện có vấn đề; cơ chế giá. “Về cơ chế giá, tại sao giao cho người ta tính đúng, tính đủ giá mà tiền lương tối thiểu đã điều chỉnh 1.490.000 rồi, nhưng anh vẫn giữ 1.300.000? Thế chênh lệch đó lấy đâu? Đó chính là "gậy ông đập lưng ông", đánh vào nhân dân”, ông Lợi đặt câu hỏi.
Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, ông Lợi nhận thấy chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa bệnh viện nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần. Vì vậy, ông Lợi cho rằng, hai hạng bệnh viện là bệnh viện tuyến cuối cùng và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư.
Ở tuyến trên, có 3 điểm phải lưu ý. Một là phải đầu tư để hiện đại hóa công nghệ. Đây là tuyến cuối cùng chăm sóc những bệnh khó khăn, gian khổ nhất nên đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhất. Quan trọng là phải được đầu tư công nghệ hiện đại.
Vấn đề thứ hai là bệnh viện tuyến cuối cùng có nhiệm vụ quan trọng là chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở. Vấn đề thứ ba là phải bảo đảm an sinh xã hội. "Phải tập trung làm 3 vấn đề đó", ông Lợi nhấn mạnh.