Theo Kho bạc Nhà nước, quy trình liên thông là sự tích hợp, liên thông giữa các quy trình nghiệp vụ với chương trình dịch vụ công trực tuyến, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước.
Đồng thời, cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động của hệ thống Kho bạc Nhà nước với mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng, thuận tiện cho người sử dụng, các đơn vị giao dịch và Kho bạc Nhà nước.
Từ ngày 15/11/2021, việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ sẽ giúp hệ thống vận hành ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của 95.000 đơn vị sử dụng ngân sách. Quy trình liên thông sẽ tự động hoá tối đa các bước, chuẩn hoá dữ liệu của đơn vị sử dụng ngân sách khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên hệ thống.
Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến Kho bạc Nhà nước trên dịch vụ công để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị Kho bạc ký duyệt trên chương trình dịch vụ công trực tuyến.
Sau đó, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang ngân hàng thương mại, mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.
Tại hội nghị trực tuyến tập huấn quy trình liên thông giữa các ứng dụng giữa Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng vừa qua, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, thời gian qua đã triển khai thí điểm tại một số Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố cho thấy hiệu quả và tính thiết thực của việc triển khai diện rộng quy trình liên thông dịch vụ các ứng dụng.
Từ đó, phục vụ trực tiếp vào lộ trình phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn tới thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến phục vụ nhanh người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước giúp Chính phủ, Bộ Tài chính có đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ sẽ đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Mặt khác, tăng khả năng truy cập, liên thông khai thác thông tin dịch vụ, tăng hiệu năng giải quyết công việc thông qua dịch vụ công trực tuyến và ngày càng mở rộng liên thông các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Từ đó, hướng tới "Kho bạc 3 không" - không chứng từ, không khách hàng giao dịch và không giao dịch tiền mặt, dần hình thành Kho bạc điện tử và hướng đến Kho bạc số theo lộ trình.