Đăng kiểm ô tô là một thủ tục bắt buộc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, tất cả phương tiện cơ giới đang lưu hành phải được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng tuân thủ các quy định về an toàn, khí thải, hoặc cả hai. Tùy thuộc chính sách của mỗi quốc gia, địa phương, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, thời hạn kiểm định, địa điểm thực hiện không giống nhau.
Tại Mỹ, các chủ xe phải thực hiện kiểm định an toàn và kiểm định khí thải định kỳ, tùy vào chính sách của từng bang (thường là 2 năm/lần). Ngoài ra, trước khi bán xe, sang tên cho người khác hoặc chuyển nhà đến địa phương khác, chủ xe cũng phải thực hiện kiểm định an toàn. Trong đó, tiêu chí quan trọng và được kiểm soát nghiêm ngặt nhất là khí thải. Thủ tục đăng ký được thực hiện tại Cơ quan Quản lý phương tiện cơ giới (DMW). Thậm chí, tại một số bang như California, Đội tuần tra xa lộ còn được trang bị máy móc, thiết bị để kiểm tra đột xuất phương tiện giao thông trên đường xem lượng khí thải có vượt ngưỡng quy định hay không.
Tại Châu Âu, nhiều nước quy định sau 3-4 năm mua xe mới phải thực hiện đăng kiểm lần đầu (trừ xe tải hạng nặng, xe máy), sau đó cứ 2 năm sẽ kiểm định lại một lần. Quy trình kiểm tra định kỳ bao gồm: xác minh thông tin đăng ký xe (số VIN, thuế, bảo hiểm), kiểm tra hệ thống phanh, đèn và các thiết bị bắt buộc, kiểm tra ngoại thất, hệ thống treo, đo độ ăn mòn thiết bị và khí thải... Tuy nhiên, thay vì đến trạm đăng kiểm của cơ quan nhà nước, chủ xe có thể thực hiện đăng kiểm tại các trung tâm dịch vụ của các đơn vị độc lập như Carspect, DEKRA. Các garage tư nhân nếu đáp ứng đủ yêu cầu về điều kiện trang thiết bị, nhân lực và tiêu chuẩn chất lượng hoàn toàn có thể đăng ký làm cơ sở đăng kiểm ô tô, được Bộ Giao thông vận tải công nhận và công khai danh sách trên cổng thông tin.
Tương tự, tại Nhật Bản, chủ xe có quyền chọn lựa kiểm định (shaken) ngay tại nơi mua xe, các trung tâm, garage tư nhân. Sau đó, thủ tục cấp chứng nhận đăng kiểm tại cơ quan nhà nước chỉ còn mang tính chất thủ tục. Điều này giúp chủ xe tiết kiệm thời gian, chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện (nếu có). Thậm chí, chủ xe có thể mang xe đến cơ sở Unyushikyoku để tự mình kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế linh kiện. Đây là cách đăng kiểm tiết kiệm nhất đang được khá nhiều người dùng am hiểu về ô tô lựa chọn.
Mặc dù mỗi quốc gia áp dụng chính sách khác nhau về đăng kiểm xe cơ giới, nhưng điểm chung đều theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng nặng mức xử phạt đối với các trường hợp tự ý thay đổi kết cấu xe hay vi phạm về khí thải. Chủ xe chỉ cần thực hiện kiểm tra, sửa chữa một lần tại cơ sở bảo dưỡng và được công nhận kết quả tại cơ quan đăng kiểm của nhà nước. Đối với xe mới mua, thời hạn kiểm định lần đầu khá dài (từ 3-5 năm). Đồng thời, chu kỳ kiểm định thường từ 1-2 năm/lần, áp dụng chung cho đa số các loại xe.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đối với xe mới mua, cho dù đã có giấy chứng nhận xuất xưởng nhưng sau khi nhận xe, chủ xe vẫn phải đi đăng kiểm lần đầu. Khi mang xe đi bảo dưỡng định kỳ tại hãng, dù đã được kỹ thuật viên kiểm tra kỹ lượng, nhưng đến khi làm thủ tục đăng kiểm lại thực hiện kiểm tra lại một lần nữa. Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, đối với xe dưới 9 chỗ ngồi sản xuất trên 12 năm (hoặc trên 5 năm đối với xe có kinh doanh vận tải), xe trên 9 chỗ ngồi, ô tô tải sản xuất trên 7 năm, chu kỳ kiểm định tiếp theo là 6 tháng/lần. Cá biệt, đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên, ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên, chu kỳ kiểm định chỉ còn 3 tháng/lần.
Vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất các Sở Giao thông vận tải địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể để miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô sản xuất mới trước khi lưu hành; đồng thời, nghiên cứu phương án cho phép cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô 3S, 4S chính hãng được tham gia vào hoạt động kiểm định xe cơ giới. Đây là hai nội dung đang được đông đảo người dùng ô tô quan tâm, bàn luận thời gian qua.
Anh Thành Trung, chủ một chuỗi garage lớn ở Hà Nội cho rằng việc miễn kiểm định lần đầu cho xe mới xuất xưởng là rất cần thiết và vốn phải được thực hiện từ lâu. Điều này vừa giúp tiết giảm thủ tục rườm rà, vừa giảm tải hoạt động cho các trung tâm đăng kiểm hiện nay. Đối với việc “trao quyền” đăng kiểm cho các doanh nghiệp tư nhân có thể được lòng người tiêu dùng, nhưng đối với các garage có thể sẽ không “mặn mà”.
“Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở “gắn nhãn” tiêu chuẩn 3S, 4S, nhưng chưa có tiêu chí cụ thể nào để công nhận điều đó. Việc nâng cấp lên 3S, 4S cũng chỉ là cách để doanh nghiệp quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng của mình. Nếu nhà nước cho phép đăng ký làm đăng kiểm, doanh nghiệp sẽ phải tính toán khả năng thực hiện, bài toán kinh tế và các quy định, tiêu chuẩn đi kèm và điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ hoạt động chính của họ là bán sản phẩm và bảo dưỡng”, anh Trung chia sẻ thêm.
Thông thường, một cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S sẽ gồm 3 mảng hoạt động chính là trưng bày, bán sản phẩm; dịch vụ bảo hành, sửa chữa; cung cấp phụ tùng chính hãng. Riêng cơ sở 4S có thêm hoạt động chăm sóc, nhận phản hồi từ phía khách hàng thường xuyên. Khi mang xe đến bảo hành, bảo dưỡng, chủ xe được đón tiếp tại phòng chờ, được kỹ thuật viên kiểm tra sơ bộ và đưa ra “lệnh sửa chữa”. Trong thời gian chờ đợi, khách hàng được phục vụ đồ ăn, thức uống, dịch vụ giải trí miễn phí và quan sát toàn bộ quá trình kiểm tra, sửa chữa. Sau khi đã kiểm tra xong, kỹ thuật viên gửi “lệnh sửa chữa” kèm báo giá cụ thể tới tận tay khách hàng để thỏa thuận. Sau khi sửa chữa xong, xe được chạy thử để kiểm tra, trước khi bàn giao cho khách hàng.
Trong khi đó, anh Thức, đại diện một chi nhánh Toyota tại Hà Nội chia sẻ, các kỹ thuật viên tại garage chính hãng đều có trình độ, kỹ thuật tốt, hoàn toàn có thể đảm bảo chiếc xe đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi lăn bánh. “Tuy nhiên, nếu áp dụng đăng kiểm ngay tại garage, chúng tôi sẽ chỉ có thể ưu tiên phục vụ khách hàng mua xe tại hãng, rất khó để phục vụ tất cả mọi đối tượng khách hàng”, anh Thức cho biết.
Mặt khác, đề xuất này đang mâu thuẫn với quy định tại điều 4, Nghị định 139/2018/NĐ-CP. Theo quy định này, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Điều này đồng nghĩa với việc, các đơn vị kinh doanh, bảo dưỡng xe chính hãng không được tham gia hoạt động kiểm định để đảm bảo khách quan, công bằng.
Trong trường hợp giữ nguyên quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP mà vẫn thực hiện “trao quyền” hoạt động đăng kiểm cho khối tư nhân cùng tham gia thì các doanh nghiệp, cơ sở chuyên bảo dưỡng, sửa chữa ô tô độc lập sẽ là đối tượng được nhắm đến.
“Nếu vậy, cần phải thiết lập hệ thống quy chuẩn, quy trình cụ thể về hoạt động kiểm định tại các garage tư nhân. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện, các garage này phải được cấp phép hoạt động đăng kiểm và trong quá trình hoạt động phải có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng. Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, vừa giúp hoạt động đăng kiểm được thông suốt, vừa giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn dịch vụ và chủ động hơn trong hoạt động hàng ngày”, anh Thành Trung nhận định.