Vừa qua, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Tuần lễ EPPIC nhằm thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác nhựa, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Sự kiện do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức, với sự tham gia tích cực từ Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội tàu du lịch, Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW)…
NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC
Tuần lễ EPPIC đã diễn ra nhiều hoạt động. Trong đó, hoạt động đổi rác lấy quà tại Cửa hàng EPPIC đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân địa phương. Hoạt động thu gom, phân loại rác tại khu vực bãi tắm Hòn Gai thu hút đông đảo người dân tham gia. Tọa đàm với nhóm lao động phi chính thức được tổ chức ngay sau khi triển khai hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại khu vực bãi tắm, nhằm mục đích tăng cường kết nối các chi hội/nhóm thu gom rác thải tham gia Dự án rác thải 5 Thành phố (Dự án 5C).
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Đã đến lúc xã hội nên công nhận, hỗ trợ những đóng góp của lực lượng lao động xử lý rác thải phi chính thức vào hệ thống quản lý chất thải của Việt Nam. Kết hợp với các chiến dịch nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng hiệu quả, chúng có tiềm năng trở thành một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi hướng tới các thành phố xanh và toàn diện”.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết thực hiện một hợp phần của dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long” do UNDP tài trợ, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình nhóm Phụ nữ ve chai. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 chi hội ve chai hình thành ở 7 phường của thành phố Hạ Long, với 153 thành viên.
“Trước khi xây dựng dự án chúng tôi đi khảo sát để nắm tình hình về đời sống, thu nhập và sinh hoạt của các chị làm nghề ve chai, thấy họ rất vất vả, thu nhập rất thấp, chỉ 3 -4 triệu đồng/tháng. Từ khi dự án triển khai đến nay thu nhập của các chị đã cao hơn nhiều so với trước, hiện bình quân đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Có nhiều chị làm mà chịu khó và có kết nối tốt thì có thu nhập đến 7 đến 8 triệu đồng/tháng”, ông Đường chia sẻ.
SÁNG KIẾN HAY, HIỆU QUẢ CAO
Trong Tuần lễ EPPIC, nhiều buổi tọa đàm và các phiên thảo luận được sắp xếp diễn ra luân phiên. Trong đó, hội thảo “Thúc đẩy sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường hướng tới phát triển du lịch bền vững” và hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa” đều thu hút đông đảo diễn giả, các doanh nghiệp sôi nổi tham gia, giới nhiều giải pháp rất sáng tạo.
Bà Đỗ Diễm Châu, Giám đốc công ty Galaxy Biotech, cho biết ý tưởng mà Galaxy Biotech đem đến EPPIC đó là sản phẩm túi biết thở, đây là loại túi sinh học có thể phân hủy và giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, nhất là thực phẩm rau và trái cây tươi lâu hơn thông thường.
Trình bày về giải pháp thông minh trong việc quản lý phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế, bà Trần Thị Thoa, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ xã hội mGreen, cho biết nhóm học tập từ nền tảng công nghệ gọi xe qua mạng Grab, đội ngũ lập trình của mGreen tạo ra một giải pháp nền tảng công nghệ quan điện thoại thông minh, giúp cho người dân hào hứng với việc phân loại rác thải.
Giải pháp mGreen có 3 cấu phần chính: ứng dụng di động mGreen dành cho chủ nguồn thải; ứng dụng mGreen Collector dành cho đơn vị thu gom rác; ứng dụng mPoint Shop dành cho các cửa hàng đối tác liên kết khi đổi quà hoặc là bán hàng liên kết.
Với ứng dụng mGreen dành cho chủ nguồn thải, đã giúp xây dựng và nâng cao thói quen phân loại rác tại nguồn. Ứng dụng này cũng tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người thu gom rác tái chế, ve chai, đồng nát và những người thu gom rác. Giải pháp mGreen cũng xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm xã hội trên nền tảng ứng dụng di động và nền tảng Chăm sóc khách hàng liên kết Loyalty communication.
Theo bà Thoa, đến nay, mGreen đã triển khai được 5 năm tại thị trường Việt Nam và trở thành ứng dụng tiên phong trong việc đổi rác lấy quà, thu gom rác tái chế và đi đầu trong việc công nghệ số việc quản lý phân loại rác tại nguồn. Hiện tại với hơn 15.000 hộ gia đình đang sử dụng ứng dụng trong việc phân loại rác tại nguồn cũng như là hơn 100 người thu gom đang sử dụng ứng dụng này để hỗ trợ cho công việc của họ.
Đến nay, giải pháp mGreen đã được ứng dụng ở nhiều thành phố khác như Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long. Hơn nữa mỗi mô hình chúng tôi thực hiện là một sự hợp tác công tư, sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội với những tỉnh thành mà tôi vừa nêu”, bà Thoa chia sẻ.
Ứng dụng mGreen đang nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chung tay thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ví dụ như là Unilever, Nestle hay công ty TNHH hóa dầu Long Sơn, LSP, Tập đoàn SCG Việt Nam… Các tổ chức quốc tế như UNDP, WWF; cùng các cơ quan nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ủng hộ và hỗ trợ, đồng hành cùng với dự án và Công ty mGreen trong việc tư vấn thực hiện, đưa ra những đường lối chủ trương để triển khai ở các địa phương.