Tuần lễ Vàng tại Trung Quốc năm nay kéo dài 8 ngày liên tiếp khi kỳ nghỉ Quốc khánh 1/10 trùng với dịp Tết Trung thu. Do đó, thị trường du lịch cũng như tiêu dùng của quốc gia này được dự đoán sẽ vô cùng sôi động. Theo tờ Global Times, ước tính sẽ có khoảng 800 triệu chuyến đi được thực hiện trong Tuần lễ Vàng bắt đầu từ 1/10 tới tại Trung Quốc, tức là tương đương khoảng 100 triệu chuyến đi mỗi ngày trong dịp nghỉ lễ.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc dự báo rằng 190 triệu chuyến đi bằng đường sắt sẽ được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ, tăng so với 138 triệu chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.Trên thực tế, các số liệu từ ngày 27/9 – ngày đầu tiên của đợt cao điểm du lịch trong Tuần lễ Vàng – đã cho thấy các dấu hiệu tích cực. China Railway Shanghai Group cho biết mạng lưới đường sắt ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử đón nhận hơn 2,5 triệu chuyến đi trong ngày, cao 30% so với mức ghi nhận năm 2019.
Đối với các hoạt động hàng không thương mại, dự kiến hơn 21 triệu du khách sẽ di chuyển bằng máy bay, với trung bình 14.000 chuyến bay nội địa sẽ được khai thác mỗi ngày trong suốt thời gian nghỉ lễ, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Global Times trích dẫn dữ liệu từ Qunar cho thấy lượng đặt phòng khách sạn trong nước dịp Tuần lễ Vàng đã tăng 514% so với năm 2019. Bắc Kinh, Vũ Hán và Tây An nằm trong số những điểm đến yêu thích.
Nhà phân tích Brandon Msimanga BMI cho rằng người Trung Quốc có thể thích đi du lịch nội địa hơn là đi nước ngoài, khi vẫn rẻ hơn, dù giá vé đều tăng. Du lịch nước ngoài chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho thấy số chuyến bay chở khách hàng tuần trong tháng 9/2023 đạt 52% mức của năm 2019. Theo Giám đốc điều hành phụ trách các chuyến bay của Trip.com Group, Tan Yudong, nhu cầu du lịch nước ngoài của người Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào giữa năm 2024.
Trong bối cảnh lượng đặt vé máy bay, vé tàu, chỗ ở và các sản phẩm du lịch gia tăng đáng kể, kỳ nghỉ lễ 8 ngày sắp tới được kỳ vọng sẽ giải phóng thêm tiềm năng tiêu dùng của Trung Quốc. Trước đó hồi tháng 8, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc - thước đo chính của mức tiêu dùng - đã vượt kỳ vọng nhờ các hoạt động du lịch mùa hè và các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng. Chỉ số này ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ là 4,6% lên 521,13 tỷ USD, cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của tháng 7.
Đại hội thể thao châu Á (Asiad-19) đang diễn ra tại Hàng Châu cũng giúp thúc đẩy du lịch và thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc, theo Asia News. Chiết Giang hiện là điểm đến sôi động của các doanh nghiệp tư nhân lớn của Trung Quốc như Alibaba hay Geely.
Đến ngày 20/9, lượng đặt bàn ăn tại chỗ trong ngành dịch vụ ăn uống tại tỉnh này đã tăng 380% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu từ các nền tảng ẩm thực trực tuyến như Meituan và Dianping. Phòng của các khách sạn và Minsu (cơ sở lưu trú có phục vụ bữa sáng kiểu Trung Quốc) ở Hàng Châu, cũng như các thành phố đồng đăng cai như Ninh Ba, Ôn Châu, Hồ Châu, Thiệu Hưng và Kim Hoa, gần như đã bán hết phòng.
Hiện tại, Hàng Châu cũng nằm trong danh sách 10 điểm đến di chuyển bằng đường sắt được yêu thích nhất trong kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc năm nay. Tờ Securities Daily trích dẫn dự báo của cơ quan du lịch Hàng Châu cho biết thành phố này sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mãnh liệt trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á, dự kiến đón được hơn 20 triệu khách du lịch.
Đến ngày 18/9, số lượng đặt vé máy bay đến Hàng Châu tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Cổng thông tin du lịch Qunar, trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á, số lượng đặt phòng khách sạn tại đây tăng 4,4 lần và doanh số bán vé ngắm cảnh tăng 20%.
Không chỉ Chiết Giang, đại hội thể thao châu Á cũng đang giúp thúc đẩy ngành du lịch ở tất cả các thành phố đồng đăng cai sự kiện này. Theo Qunar, trong những tuần gần đây, lượng tìm kiếm phòng ở Ninh Ba, Ôn Châu, Hồ Châu, Thiệu Hưng và Kim Hoa đã tăng 2 lần so với tháng trước. Trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á, lượng đặt phòng khách sạn và vé vào cửa tại các thành phố đồng đăng cai này tăng vọt hơn 5 lần so với bình thường và hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Đại hội thể thao châu Á cũng mang lại cơn sốt tiêu thụ các dịch vụ thể thao đối với thị trường Trung Quốc. Tính đến ngày 20 tháng 9, số lượng đơn đặt hàng đồ thể thao và thể hình ở tỉnh Chiết Giang đã tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đồ tập thể hình và các môn thể thao liên quan đến bóng tăng nhanh nhất. Một số nhà cung cấp các mặt hàng liên quan đến bóng đá cho biết các đơn đặt hàng đã nhận kín đến hết tháng 10.
Tận dụng thời cơ Asiad 19, không chỉ tài trợ, một số doanh nghiệp và startup công nghệ Trung Quốc đã tranh thủ phô diễn giải pháp và tiếp thị sản phẩm. Điển hình như startup Kuai-e hy vọng sự kiện thể thao của châu Á sẽ là bệ phóng cho máy bán đồ ăn sẵn của công ty. Thực đơn của máy gồm một số món phổ biến như cơm thịt bò và mì hải sản. Họ lắp chúng tại 5 địa điểm diễn ra thi đấu để phục vụ nhân viên hỗ trợ.
Chen Xiaoqiang, CEO Kuai-e, cho biết việc phục vụ đồ ăn nóng là rất quan trọng đối với nhiều món ăn Trung Quốc. Mỗi máy bán đồ ăn tự động của Kuai-e có khả năng cung cấp tới 40 hộp cơm được hâm nóng trước khi phục vụ. Đặt hàng được thực hiện thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Kuai-e hy vọng Asiad 19 sẽ là “cú hích” khi việc huy động vốn để mở rộng có thể gặp thách thức vì sự quan tâm đối với các công ty công nghệ có kết nối Internet đã giảm những năm gần đây, sau khi chính phủ siết chặt quản lý trong ngành này và thị trường nội địa trải qua đợt giảm tốc.