VN-Index đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 chỉ có 2 ngày giao dịch do nghỉ lễ tại 1.221,03 điểm, tăng nhẹ 0,95% so với đóng cửa tuần cuối tháng 4 trước đó, với thanh khoản tiếp tục giảm.
Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE ở mức 13.821,07 tỷ đồng trong tuần vừa qua, giảm nhẹ -4,4% so với tuần 17 nhưng giảm mạnh 43% so với tuần 16. Lực bán chủ động áp đảo trong phiên thứ 6 cuối tuần trước cho thấy áp lực bán vẫn hiện hữu.
Xét dòng tiền theo nhóm nhà đầu tư, tổ chức trong nước bán ròng mạnh là động thái đáng chú ý trong tuần vừa qua có góp phần bởi hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF tham chiếu chỉ số VNDiamond. Bên mua ròng đối ứng chủ yếu là Tự doanh và Nước ngoài.
Về mặt kỹ thuật, theo FiinTrade, tỷ lệ cổ phiếu có giá nằm trên MA20 và MA50 đã cải thiện nhẹ, nhưng vẫn ở mức rất thấp 20%-30%. VN-Index đã tăng gần 4% so với "đáy" ngày 19/4, với gần 30% số cổ phiếu hồi vượt MA20, trong đó có sự góp sức quan trọng của các cổ phiếu lớn: FPT, TCB, MSN. Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu vượt MA20 và tăng hơn 10% trong giai đoạn này như FPT, MWG, DGC, REE, FRT, NLG, CTR, VTP, BMP.
Diễn biến các đường MA cho thấy nhịp hồi này khá giống giai đoạn tháng 10/2023. Do đó, hiện chưa thể khẳng định được VN-Index đã quay lại giai đoạn tăng mới. Với nhiều cổ phiếu đã có nhịp hồi khá trong 2 tuần vừa qua tính ra chỉ có 7 phiên giao dịch kể từ ngày 19/04 nên thận trọng hơn là FOMO.
Cập nhật mới nhất của FiinTrade cho thấy tính đến ngày 5/5/2024, đã có 1036/1641 doanh nghiệp niêm yết đại diện 97,7% vốn hóa trên ba sàn công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng 21,5% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với mức tăng của Q4/2023 tăng 56,6%. Bán lẻ là ngành có tăng trưởng ấn tượng trong lần cập nhật lần này.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh Q1/2024 dần khép lại, nên diễn biến lãi suất và tỷ giá trên thị trường, các dự thảo luật (VAT,…) chuẩn bị cho kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc vào 20/5 là những thông tin mà nhà đầu tư sẽ quan tâm cho tuần giao dịch thứ 19/2024 này.
Trong đó, nhóm cổ phiếu phân bón đang được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Mới đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới trong tháng 5- tháng 6.
Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Về dòng tiền, tuần trước tiền tập trung ở nhóm Phân phối hàng chuyên dụng (Nhóm bán lẻ), Phầm mềm, Hàng không, hàng cá nhân, chuyển phát hành, Điện, Máy công nghiệp. Trong đó hầu hết các nhóm đều đạt đỉnh 10 tuần của dòng tiền nên cần lưu ý việc sẽ bị rút dần.
Nhóm có dòng tiền về đáy 10 tuần và đã tăng trở lại: Thực phẩm, Xây dựng, sản phẩm hóa dầu-hóa chất khác, Nhựa cao su & sợi. Những nhóm này dự kiến sẽ tiếp tục hút dòng tiền trong tuần này.
Nhóm có dòng tiền về đáy và nên theo dõi tín hiệu quay lại: Môi giới chứng khoán, Thép, Nông nghiệp & Thủy hải sản, Thiết bị điện, Vật liệu xây dựng và Nội Thất. Trong đó nhóm Chứng khoán, Thủy sản là các nhóm bị "mạt sát" nhất tuần trước.
Bất động sản, Ngân hàng, Thiết bị Dầu khí là những nhóm có dòng tiền duy trì cao ở những tuần trước và hiện đang đến vòng giảm tỷ trọng tuần nên sẽ khó có nhiều bứt phá.