Sau khi tiến hành lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nghi lễ thả cá chép truyền thống tại Hồ Sen - dấu tích dòng sông cổ trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên là một trong số các hoạt động thuộc Chương trình "Xuân Quê hương 2023", do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ trong 2 ngày 13 – 14/1.
KẾT NỐI KIỀU BÀO VỚI TRONG NƯỚC
Xuân Quê hương dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn đầu năm mới 2023 nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Đây là chương trình lớn thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được bà con kiều bào chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chương trình "Xuân quê hương 2023" với chủ đề "Đất nước niềm tin và khát vọng" với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đại biểu kiều bào ở các nước. Chương trình gồm nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn cội: lễ dâng hương, thả cá theo nghi lễ truyền thống; viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chương trình liên hoan ẩm thực Việt và giao lưu nghệ thuật tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Trước đó, chiều ngày 13/1, đoàn đại biểu đại diện người Việt Nam tại nước ngoài tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023 đã tham dự Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại tòa nhà Nhà Quốc hội.
Vào tối 14/1 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chủ tịch nước sẽ chúc Tết kiều bào và tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương 2023”, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam, các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội.
"Tính đến tháng 10/2022, có 376 dự án FDI của kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia trên thế giới đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1,72 tỷ USD, các dự án này tập trung tại 42/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ hàng chục năm nay, đội ngũ doanh nhân kiều bào luôn được đánh giá là thế mạnh, là nguồn lực đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Trong đó, có khoảng 500.000 đến 600.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, đã tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…
Người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chứng tỏ được trí tuệ và tài năng của mình trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân, trí thức kiều bào (gốc Việt) có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế...đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới; trở thành các chính trị gia, nhà quản lý, lãnh đạo ở một số nước như Mỹ, Đức, Australia, Pháp, Nhật... Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức kiều bào sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2022, có 376 dự án FDI của kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia trên thế giới đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1,72 tỷ USD, các dự án này tập trung tại 42/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và tập trung vào nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo...
Tuy nhiên, con số này mang tính tương đối, vì đây là thống kê theo hướng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, còn đầu tư gián tiếp thông qua kiều hối và hình thức đầu tư về nước khác thì rất lớn, vì trung bình, 1 năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD, điển hình, năm 2021 kiều hối về Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”.
Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2016-2021, tổng kiều hối về nước đạt hơn 89,1 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
ĐẶC SẮC XUÂN CUNG ĐÌNH TẠI HOÀNG THÀNH THĂNG LONG
Cũng trong sáng 14/1/2023 (tức 23 tháng Chạp), tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra nghi lễ dựng cây nêu trước cổng Đoan Môn. Trước khi cây nêu được dựng lên, Nghi thức Tết cáo trời đất được thực hiện trên nền điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long. Theo truyền thống đón Tết trong các triều đình thời xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, vua và quần thần tổ chức lễ tế cáo trời đất tại điện Kính Thiên, sau đó làm lễ rửa ấn và niêm phong ấn, tạm nghỉ các buổi thiết triều và công việc triều chính để ăn Tết.
Ra mắt công chúng từ ngày 14/1, Chuỗi hoạt động có chủ đề “Cung đình ngày xuân” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức. Nhằm phục vụ khách du xuân sớm, không gian trưng bày Tết Nguyên đán truyền thống đã đưa vào hoạt động tại Khu nhà 19C và N14, giới thiệu các phong tục, không khí chuẩn bị đón Tết và những tập tục trong ngày Tết Nguyên đán như cúng gia tiên, treo tranh Tết, câu đối Tết, xin chữ đầu năm, mừng tuổi, chúc Tết...
"Chương trình Cung đình ngày Xuân diễn ra từ 14/1 (tức 23 tháng Chạp) cho đến 29/1. Khu di sản Hoàng thành Thăng Long mở cửa phục vụ khách tham quan trong suốt dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão (trừ ba ngày 20, 21, 22/1/2023 tức ngày 29, ngày 30 tháng Chạp và mùng Một Tết. Chương trình múa rối nước, rối cạn và diễn xướng phục vụ khách tham quan sẽ diễn ra 2 lần mỗi ngày, vào 10h sáng và 15h chiều các ngày 23, 24, 25, 26/1/2023 (từ mùng Hai đến Mùng Năm Tết)".
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long.
Dịp này, khu di sản cũng rực rỡ các sắc hoa của niều vùng miền. Đó là thảm hoa hướng dương, hoa cúc vạn thọ, hoa xác pháo đua nhau khoe sắc, vườn đào Nhật Tân, mô hình trang trí rồng thời Lê bằng thảm hoa cúc kết hợp với cụm trang trí bằng cây lá màu và hoa hướng dương tại Đoan Môn. Vườn hồng ở Hậu Lâu. Cụm trang trí hoa, cây cảnh, cây ăn quả tại Điện Kính Thiên.
Năm nay, lần đầu tiên Khu di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội phục dựng lại lễ Chính đán.
Chính đán thời Lê với lễ thiết triều đầu tiên thể hiện mong muốn một năm mới quốc thái, dân cường. Đây là lần đầu tiên Nghi lễ Chính đán được trưng bày diễn giải với 3 điểm nhấn: Hệ thống tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê; Không gian phỏng dựng nghi thức các quan dâng Biểu chúc mừng nhà vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi; Nghi thức ban thưởng tiền xuân thông qua bộ sưu tập tiền thưởng cổ thời Cảnh Hưng của nhà sưu tầm Đức Long.
Lễ Chính đán được tổ chức với nghi lễ trang nghiêm thể hiện mong muốn phồn thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc, tạo ra một không khí đầu xuân, một sự khởi đầu mới với niềm hy vọng mang những dự báo tốt đẹp cho năm mới. Trong lễ Chính đán, 12 xứ trong cả nước dâng biểu chúc mừng nhà vua. Nhân dịp này vua cũng ban yến, ban tiền thưởng cho văn võ bá quan.
Với người Việt Nam Tết Nguyên đán là địp lễ đầu năm quan trọng, chứa đựng nhiều mong ước cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đến Hoàng Thành Thăng Long những ngày này, người dân được trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến, lắng đọng cùng thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới, với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện như: Lễ ông Công, ông Táo; lễ phất thức; lễ dựng cây nêu; lễ dâng hương khai xuân...
Các hoạt động nghiên cứu, tái hiện các nghi thức truyền thống trong cung đình và dân gian dịp Tết Nguyên đán tại Hoàng thành Thăng Long đã góp phần phát huy giá trị di sản, giúp du khách tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.