Mặc dù lịch đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng Công ty Thép Việt Nam – VnSteel được lùi xuống cuối tháng 5/2022 nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của VnSteel tại báo cáo Ban Kiểm soát dự kiến trình đại hội đồng cổ đông là khá tích cực.
LỢI NHUẬN TĂNG ẤN TƯỢNG, CAO KỶ LỤC
Báo cáo cho thấy, trong năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của VnSteel đạt 40.572 tỷ đồng, tăng 9.271 tỷ đồng, tương ứng 30% so với năm 2020.
Lợi nhuận gộp hợp nhất cũng tăng 24% so với năm 2020 lên mức 2.174 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất trước thuế và lợi nhuận sau thuế cũng tăng ấn tượng so với năm 2020 (lần lượt là 48% và 51%) lên mức 1.031,9 tỷ đồng và 859,4 tỷ đồng.
Số liệu trên cho thấy cả 2 chỉ tiêu doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VnSteel đều vượt kế hoạch ĐHĐCĐ 2021 giao; trong đó: doanh thu hợp nhất đạt 133% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 258% kế hoạch (kế hoạch ĐHĐCĐ giao doanh thu hợp nhất là 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước là thuế 400 tỷ đồng). Đồng thời, đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận sau thuế của toàn hệ thống tiếp tục được tích lũy.
Tương tự như VnSteel, Báo cáo hoạt động Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex dự kiến trình tại ĐHĐCĐ 2022 vào cuối tháng 5/2022 cũng ghi nhận con số lợi nhuận hợp nhất đạt mức “kỷ lục” bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19 với 1.456,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2020 và gấp 2 lần năm 2019 – năm trước đại dịch Covid-19.
“Tốc độ tăng trưởng này thể hiện chất lượng của quá trình tái cơ cấu và chuẩn bị tốt cho quá trình thay đổi giá trị gia tăng, cơ cấu mặt hàng và tỷ lệ nguồn nguyên liệu chủ động được ở trong nước của Vinatex”, báo cáo ghi nhận.
Còn theo Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát Tổng Công ty thủy sản Việt Nam – Seaprodex tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 ngày 27/4, kết quả kinh doanh của Seaprodex trong năm 2021 cũng khá tốt cho dù nhiều lĩnh vực của của công ty như khai thác mặt bằng nhà xưởng, sản xuất nuôi trồng và kinh doanh cá tầm, kinh doanh vật tư nội địa… vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của Seaprodex tăng ấn tượng tới 2.167,71% so với kế hoạch, trong khi tổng doanh thu cũng tăng tới 643,14%.
Sự gia tăng đột biến này được Seaprodex lý giải là do ghi nhận doanh thu đầu tư tài chính tại Công ty Proconco đã được tích lũy trong nhiều năm qua và vừa được chia cổ tức trong năm 2021 trong khi việc quản lý tài chính, kiểm soát chi phí, tiền lương tại Seaprodex đã được gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất kinh doanh.
HÀNH TRÌNH “LỘT XÁC” NHỜ TÁI CƠ CẤU
Kết quả kinh doanh đáng ghi nhận của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng trong năm 2021 cho thấy năng lực quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là khả năng chủ động xây dựng và thực hiện các phương án kinh doanh thích ứng với diễn biến thực tế của đại dịch và thị trường.
Song để có được thành quả này là cả một quá trình dài nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung xử lý các tồn tại để từng bước ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đây là điều mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rất lưu tâm trong quá trình tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Còn nhớ, năm 2019, năm đầu tiên nhận chuyển giao vốn nhà nước tại Vnsteel, báo cáo tài chính của SCIC ghi nhận một khoản trích lập dự phòng lên tới vài nghìn tỷ đồng, khiến lợi nhuận của SCIC giảm tương ứng. Đó là thời điểm Vnsteel phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dòng tiền thiếu hụt, thị phần liên tục giảm...
Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công Thương, SCIC đã tập trung chỉ đạo người đại diện vốn của SCIC tại Vnsteel phối hợp với Hội đồng quản trị, Ban Điều hành Vnsteel để triển khai công tác tái cơ cấu, đặc biệt là hai khoản đầu tư dài hạn có giá trị lớn của Vnsteel tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - Tisco và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung – VTM.
SCIC đã cử 3 cán bộ tham gia Hội đồng quản trị (trong đó nhân sự SCIC giữ chức Chủ tịch HĐQT Vnsteel), 2 cán bộ tham gia Ban Kiểm soát, đồng thời đã chỉ đạo Vnsteel kiện toàn nhân sự Ban Điều hành để tăng cường hiệu quả công tác quản trị. Đồng thời, người đại diện SCIC phối hợp với Hội đồng quản trị Vnsteel triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cho công ty mẹ và các đơn vị thành viên phù hợp với tình hình thực tế của của ngành.
Đến nay Vnsteel đã có lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi so với thời điểm vốn nhà nước được chuyển giao về SCIC.
Đặc biệt, đáng chú ý là câu chuyện tái cơ cấu VTM, 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã được SCIC tham gia tái cơ cấu thành công.
Mặc dù được cấp phép khai thác quặng sắt mỏ Quý Xa (mỏ sắt có trữ lượng và chất lượng tốt nhất của Việt Nam) nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM gặp rất nhiều khó khăn và càng khó khăn hơn khi giấy phép hoạt động khoáng sản của Công ty hết hạn và không đủ điều kiện để được gia hạn nên buộc phải dừng sản xuất từ ngày 16/9/2021.
“Nếu để VTM bị phá sản thì hệ quả để lại là rất lớn; không chỉ Vnsteel có nguy cơ mất ngay khoản vốn góp tại VTM, các nhà cung cấp có khả năng không thu hồi được nợ mà khoảng 1.400 lao động sẽ bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội, thu ngân sách của tỉnh Lào Cai”, đại diện SCIC cho biết.
Trước tình hình đó, SCIC đã đề xuất các giải pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Lào Cai, ngày 29/12/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc cho phép VTM khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Xa trong thời hạn một năm để có thời gian hoàn thành Đề án tái cơ cấu, khắc phục các tồn tại, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tương tự Vnsteel, Seaprodex cũng có hành trình “lột xác” đầy ngoạn mục. Ngay sau khi nhận bàn giao phần vốn nhà nước, SCIC cùng với Seaprodex đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường của Seaprodex vào tháng 10/2018, bầu 3 thành viên Hội đồng quản trị là cán bộ SCIC.
SCIC cũng đã chỉ đạo để thực hiện sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế nội bộ về quản trị của Seaprodex; rà soát và sửa đổi, ban hành các Quy chế về quản lý tài chính, Quy chế quản lý Người đại diện, Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị… phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản trị của Seaprodex.
Nhờ đó, kết quả kinh doanh của Seaprodex có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 và phần vốn nhà nước tại Seaprodex đã tăng gấp 3 kể từ thời điểm chuyển giao vốn về SCIC.
NÂNG CHẤT QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Bàn về hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global cho biết, cũng giống như quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc, tái cơ cấu ở Việt Nam không chỉ dừng ở việc sắp xếp lại, mà quan trọng hơn là ở cách thực hiện quản trị doanh nghiệp (governance). Trong đó, việc bổ sung người chuyên nghiệp từ bên ngoài (independent directors) vào ban điều hành cũng là cách nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nên được giao cho các đơn vị quản lý vốn chuyên nghiệp thay vì để rải rác ở các bộ ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp các địa phương như hiện nay.
Việc tách bạch chức năng quản lý vốn và chức năng quản lý hành chính nhà nước sẽ chấm dứt tình trạng “bỏ bê, vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý vốn nhà nước.
Hiện tại, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua. Điều này có nghĩa rằng sẽ có thêm những doanh nghiệp quy mô lớn nằm trong diện Nhà nước thoái vốn khi Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ được phê duyệt.
“Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, quá trình thoái vốn không thể diễn ra “một sớm, một chiều”. Để đồng vốn nhà nước được quản lý và gia tăng hiệu quả, nên chuyển giao về những đầu mối quản lý chuyên nghiệp và có nghề”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.