July 10, 2025 | 10:05 GMT+7

Tương lai bất định của Shein vì thuế quan

Hoàng Anh -

Trước mức thuế quan cao do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, công ty thời trang “siêu nhanh” Shein không còn khả năng đưa ra mức giá “siêu rẻ” như trước — yếu tố từng là điểm thu hút nhất của hãng…

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ thông báo tới các quốc gia về mức thuế mới trước hạn chót ngày 9/7/2025, các mức thuế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Mốc thời gian này càng làm gia tăng khó khăn cho các “ông lớn” thời trang nhanh như Shein — vốn đã lao đao vì các loại thuế quan trước đó khiến mô hình giá siêu rẻ đặc trưng của họ không còn khả thi.

Trung Quốc là mục tiêu chính trong chính sách thuế quan của ông Trump. Ngày 2/5/2025, Mỹ đã chấm dứt chế độ miễn thuế “de minimis” đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD — một kẽ hở mà Shein từng tận dụng để vận chuyển hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không phải chịu thuế.

Tương lai bất định của Shein vì thuế quan - Ảnh 1

Hệ quả là tương lai của gã khổng lồ thời trang nhanh tại thị trường Mỹ đang trở nên bấp bênh, khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nay phải chịu mức thuế suất cao ngất ngưởng từ 120% đến 145%, gần như “đánh sập” mô hình kinh doanh từng đưa Shein trở thành một thế lực bán lẻ tại Mỹ.

Ngay lập tức, Shein buộc phải tăng giá. Một chiếc áo thun cơ bản trước đây có giá 5 USD, nay đã tăng lên khoảng 11 đến 13 USD. Giá áo blouse đã tăng gấp đôi, trong khi váy liền từ mức 18 USD nay có thể lên đến 42 USD. Phụ kiện như túi xách cũng chịu chung số phận.

Doanh số bán hàng đã phản ánh rõ cú sốc thuế quan. Doanh thu hàng tuần của Shein tại Mỹ được cho là đã giảm 23% ngay sau thông báo về thuế mới. Số người dùng hoạt động hàng tháng cũng giảm 12%, trong khi đối thủ Temu chứng kiến mức giảm tới 51% người dùng. Sự thống trị của các nền tảng này trong thị trường thời trang nhanh Mỹ đang bị xói mòn — điều có lẽ khiến ông Trump hài lòng.

Tương lai bất định của Shein vì thuế quan - Ảnh 2

Để đối phó, Shein đã tăng tốc mở rộng ra quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu. Nền tảng này ghi nhận mức tăng người dùng tại Anh và Đức, trong khi Temu đạt được một số tiến triển tại Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Tuy nhiên, hướng đi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro: EU và Anh đang xem xét cải cách chính sách “de minimis” tương tự, đồng thời các cơ quan quản lý cũng đang giám sát cả hai công ty về vấn đề an toàn sản phẩm và tiêu chuẩn tuân thủ.

TỪ IPO ĐẾN CHIẾN LƯỢC GIÁ

Áp lực đối với Shein không chỉ đến từ bên ngoài. Kế hoạch IPO tại London bị đình trệ trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Tuy nhiên, công ty được cho là đã nộp bản cáo bạch sơ bộ theo hình thức bí mật để thực hiện IPO tại Hồng Kông – một động thái hiếm hoi so với quy trình công bố công khai thường thấy tại đây. Đây là lần thử IPO thứ ba của Shein, sau hai lần thất bại ở New York và London.

Giá trị định giá của công ty cũng được cho là đã giảm mạnh, từ mức 100 tỷ USD xuống chỉ còn khoảng 30 tỷ USD.

Tương lai bất định của Shein vì thuế quan - Ảnh 3

Bất chấp việc đã chuyển trụ sở sang Singapore, Shein vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào các nhà sản xuất Trung Quốc và cần có sự chấp thuận từ phía Bắc Kinh để tiến hành IPO.

“Không có gì nghi ngờ việc Shein sẽ buộc phải rà soát lại toàn bộ chiến lược ‘tự sản xuất hay thuê ngoài’,” Rodica Murphy, nhà sáng lập RM Sustainability Consulting, nhận định. “Ngay cả khi không đặt nặng yếu tố bền vững, công ty cũng sẽ phải tối ưu hóa kế hoạch tồn kho, bởi hàng tồn kho giờ đây đi kèm với gánh nặng thuế quan lớn.

Về lý thuyết, điều này có thể giúp kiềm chế tình trạng sản xuất dư thừa. Nhưng trên thực tế, nó có thể chỉ càng củng cố phương thức ‘sản xuất lô nhỏ và thử nghiệm thị trường’ vốn đã là cốt lõi của Shein”.

Tương lai bất định của Shein vì thuế quan - Ảnh 4

Để thích nghi, Shein đã cân nhắc chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam và Mexico — chiến lược mà Temu cũng đang áp dụng. Tuy nhiên, theo chuyên gia, nếu không đi kèm với các chính sách minh bạch và bảo vệ quyền lao động, thì những nhà máy mới của Shein tại Việt Nam hay nơi khác cũng mờ ám chẳng kém gì ở Trung Quốc.

Sự sống còn dài hạn của Shein có thể sẽ phụ thuộc vào việc tái định hình mô hình kinh doanh, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.

LIỆU VIỆC SHEIN TĂNG GIÁ CÓ GIÚP THỜI TRANG ĐI CHẬM LẠI?

“Shein có thể tạm thời hứng chịu một phần chi phí, nhưng không đủ để bù đắp mức thuế cao như vậy,” bà Rodica Murphy nhận định. “Các mức thuế nhập khẩu cao giống như một lực hãm đối với sản lượng của Shein — điều mà giới hoạt động môi trường đã kêu gọi từ lâu. Nó có thể giúp làm chậm lại tình trạng sản xuất dư thừa, rác thải dệt may và khí thải carbon bằng cách khiến việc tràn ngập thị trường với những chiếc áo thun polyester 4 USD trở nên khó khăn hơn.”

Tương lai bất định của Shein vì thuế quan - Ảnh 5

Tuy nhiên, dù về lý thuyết thuế quan có thể hỗ trợ các mục tiêu môi trường, bà Murphy cũng cảnh báo không nên xem đó là một giải pháp khắc phục thực sự.

“Tôi không xem thuế quan là một liều thuốc vạn năng để xây dựng một ngành thời trang đạo đức hơn”, bà Rodica nhận định. “Chúng khiến giá cả tăng lên, nhưng không bắt buộc các doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện lao động hay thực hành môi trường. Trong trường hợp của Shein, ban lãnh đạo đã cho thấy họ có thể sẽ tự gánh chịu một phần chi phí hoặc cắt giảm ở những mảng khác và tất cả chúng ta đều biết rằng công nhân của họ vốn dĩ đã không được trả lương thỏa đáng”.

Theo chuyên gia này, thực tế, gánh nặng chi phí tăng rất có thể khiến các nỗ lực bền vững sẽ tiếp tục bị đẩy sâu hơn xuống các mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate