Cổ phiếu nhóm thực phẩm đồ uống phân hoá rõ rệt trong năm 2021. MSN là cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất ngành với 94% trong khi đó VNM và SAB tăng trưởng kém nhất ngành giảm lần lượt 18% và 24%. Do đó, nếu tính chung cổ phiếu nhóm thực phẩm đồ uống, theo thống kê của SSI Research, tăng trưởng nhóm này đạt khoảng 12% thấp hơn so với Vn-Index tăng 34% trong năm 2021.
Cổ phiếu MSN, MCH và MML đạt tăng trưởng ấn tượng 94%, 27% và 64%, nhờ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mạnh mẽ. Các sản phẩm của công ty đều là hàng thiết yếu và được tiêu thụ mạnh trong đại dịch. Do MSN sở hữu chuỗi kênh thương mại hiện đại lớn nhất, nên mảng tiêu dùng được hưởng lợi nhờ tăng cường bán hàng vào kênh này, đặc biệt trong thời kì chợ truyền thống phải đóng cửa.
Nhóm VNM bao gồm công ty con GTN và MCM tăng trưởng kém tích cực do doanh thu và lợi nhuận chịu tác động kép từ tiêu thụ sữa yếu và giá nguyên liệu sữa tăng mạnh. Các công ty Bia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, do giãn cách xã hội nghiêm ngặt dẫn đến không có doanh thu kênh tiêu thụ trực tiếp (on-premise) (chiếm 50% doanh thu Bia trước Covid).
Đánh giá về triển vọng nhóm này năm 2022, SSI Research cho rằng, có ba cơ hội cho nhóm này. Thứ nhất, nhờ nhu cầu hồi phục nhờ mở cửa trở lại, đặc biệt với mức so sánh thấp trong Q3/2021; thứ hai người tiêu dùng có thị hiếu ngày càng cao với sản phẩm cao cấp và sản phẩm hữu cơ hoặc sản phẩm đóng gói tiện lợi; và (iii) kênh thương mại hiện đại, hiện đang chiếm 10%-15% doanh thu F&B duy trì đà tăng trưởng mạnh.
SSI Research cho rằng nhu cầu sẽ phục hồi một cách dần dần. Là nước đã có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Việt Nam hiện đang áp dụng biện pháp linh hoạt để kiểm soát đại dịch. Do nguy cơ xuất hiện biến thể mới vẫn hiện hữu, tiêu thụ (đặc biệt các cửa hàng F&B tiêu thụ trực tiếp) và các dịch vụ liên quan đến F&B, như du lịch & giải trí có thể chưa phục hồi mạnh mẽ ngay nửa đầu năm.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh số bán lẻ giảm 8,7% trong 11T2021 và cần thời gian để doanh số bán lẻ trong nước hồi phục về mức trước đại dịch. Ước tính tiêu thụ tăng trưởng nhẹ trong nửa đầu năm và mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022 nhờ việc dần mở cửa trở lại theo kịch bản cơ sở.
Với triển vọng lợi nhuận, 2021 là năm khó khăn đối với VNM và SAB, và SSI Research ước tính lợi nhuận sẽ cải thiện vào 2022. Đối với SAB, Q3/2022 sẽ là quý đạt tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận của SAB vẫn sẽ thấp hơn mức trước Covid.
Đối với VNM, với mức so sánh thấp trong nửa đầu năm 2021 do doanh thu và lợi nhuận đều giảm vào nửa đầu năm 2021, ước tính công ty đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực trong nửa đầu 2022.
MSN tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận theo quý mạnh mẽ, do biên lợi nhuận WCM cải thiện trong khi MCH duy trì tăng trưởng 2 con số. Đối với các công ty đường, doanh thu và lợi nhuận sẽ đến từ tăng trưởng sản lượng và giá bán hồi phục.
Về ngành đường, cung trong nước ước tính đạt 873 nghìn tấn tăng 27% so với cùng kỳ trong niên vụ 2021/2022, do diện tích trồng trọt mở rộng tăng 17% và năng suất cây mía tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Đợt điều tra thuế chống lẩn trốn thuế bán phá giá và thuế chống trợ cấp đang được tiến hành, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đã gửi bản trả lời câu hỏi liên quan đến việc điều tra trước ngày 1/12/2021. SSI Research kì vọng kết quả cuối cùng sẽ có vào cuối Q1/2022.
Trên cơ sở đó, SSI Research đưa ra giá mục tiêu cho hàng loạt cổ phiếu với tiềm năng tăng giá cao. Cụ thể, MSN giá mục tiêu 182.000 đồng/cổ phiếu; SAB giá mục tiêu 188.000 đồng/cổ phiếu; VNM là 106.000 đồng và QNS là 59.500 đồng.
Tuy nhiên, theo SSI Research nhóm thực phẩm đồ uống cũng gặp thách thức lớn khi giá hàng hóa đầu vào duy trì ở mức cao và áp lực biên lợi nhuận của các công ty F&B, ít nhất đến nửa đầu năm 2022. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới (gần nhất là Omicron) ảnh hưởng đến triển vọng mở cửa trở lại.