July 03, 2022 | 15:26 GMT+7

Tuyển gần 2.400 lao động nông nghiệp, ngư nghiệp sang Hàn Quốc

Nhật Dương -

Theo kế hoạch, tổng chỉ tiêu tuyển chọn của cả 2 ngành là 2.370 người, trong đó ngành nông nghiệp tuyển 1.285 người và ngành ngư nghiệp tuyển 1.085 người...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đăng ký thi tuyển lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Theo kế hoạch, tổng chỉ tiêu tuyển chọn của cả 2 ngành là 2.370 người, trong đó ngành nông nghiệp tuyển 1.285 người và ngành ngư nghiệp tuyển 1.085 người. Kỳ thi sẽ được tổ chức 2 vòng: thi năng lực tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề.

Trong đó, thi tiếng Hàn trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm, gồm 2 kỹ năng nghe hiểu và đọc hiểu. Kiểm tra tay nghề: kiểm tra sắc giác, thể lực, thể chất.

Người lao động đạt yêu cầu 2 vòng thi mới được làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc. Sau khi được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc.

Người lao động có thể chọn một trong 4 nghề để đăng ký, gồm: chăn nuôi, trồng trọt (ngành nông nghiệp); nuôi trồng, đánh bắt (ngành ngư nghiệp).

Điều kiện tham gia chương trình là người lao động phải đạt độ tuổi từ 18 – 39 tuổi; người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng; không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; không có thân nhân ((bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; không bị mù màu, rối loạn sắc giác.

Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm.

Với người lao động bị đứt, cụt ngón tay hoặc chấn thương, dị tật cột sống vẫn được đăng ký dự thi, tuy nhiên việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra tay nghề.

Đối với người lao động đăng ký dự thi ngành ngư nghiệp yêu cầu cần có kinh nghiệm đánh bắt hoặc nuôi trồng thủy hải sản trên biển, có sức khoẻ và chịu được sóng nước để làm việc trên tàu biển hoặc đã được đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo đối với các ngành nghề liên quan đến ngư nghiệp.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng lưu ý người lao động chỉ được đăng ký dự thi nếu thuộc đối tượng tương ứng với ngành đăng ký.

Trong đó, với ngành nông nghiệp, người lao động thường trú tại 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trừ các xã thuộc các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2022).

Đối với người lao động chuyển đăng ký thường trú từ các địa phương không tuyển chọn trong ngành nông nghiệp, hoặc các địa phương tạm dừng tuyển chọn năm 2022 đến các địa phương được tuyển chọn nói trên, thì phải có thời gian cư trú tối thiểu tại địa phương được chuyển đến là 1 năm tính từ ngày 12/7/2022.

Người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành nông nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng (bao gồm trường hợp người lao động đăng ký thường trú tại các địa phương tạm dừng tuyển chọn năm 2022, người lao động thường trú tại các địa phương không tuyển chọn ngành nông nghiệp nêu trên).

Người lao động tham gia kỳ thi nộp 24 USD lệ phí dự thi để chuyển cho phía Hàn Quốc, không thu thêm các khoản khác ngoài lệ phí thi này. Việc kiểm tra tay nghề sẽ không mất phí.

Thời gian tuyển chọn đối với ngành nông nghiệp từ ngày 16/8 – 19/8/2022, còn ngành ngư nghiệp từ ngày 13/9 – 16/9/2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate