Phát biểu tại sự kiện, ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, khẳng định việc khánh thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – ga Hà Nội là thành quả của mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp trong việc triển khai cá dự án hạ tầng đầy tham vọng của lĩnh vực vận tải đường sắt. Đồng thời, thể hiện cam kết của Pháp đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi hướng tới nền kinh tế phi cacbon thông qua cung cấp các giải pháp kĩ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Đại sứ Pháp cho biết thêm tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ được kéo dài, tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo và xuống phía Nam tới quận Hoàng Mai với tổng chiều dài khoảng 8 km.
Trước đó, trong ngày 8/8, đoạn trên cao của tuyến đường sắt kết nối Nhổn tới Cầu Giấy dài 8 km đã chính thức được vận hành thương mại. Thống kê từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho thấy trong 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác miễn phí tuyến đã phục vụ khoảng 750.000 lượt hành khách đi tàu. Trong đó, lượng khách trải nghiệm tăng đột biến vào cuối tuần với hơn 100.000 lượt và ngày thấp nhất gần 35.000 lượt.
Sau hơn 1 tháng vận hành, đoạn trên cao của tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Phương tiện xanh này đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường nhờ giảm di chuyển bằng xe cá nhân qua đó giảm ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần từng ngày cải thiện đời sống, diện mạo khu vực phía Tây Hà Nội.
Dự án được triển khai với các công nghệ và kinh nghiệm của các doanh nghiệp Pháp khi cung cấp đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray và các thiết bị cơ điện tại các nhà ga, hệ thống thẻ vé. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp từ Pháp cũng hỗ trợ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – MRB quản lý dự án và tham gia công tác chứng nhận an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, Các thể chế, cơ quan và doanh nghiệp Pháp tham gia hết sức tích cực vào dự án, đặc biệt là Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), với nguồn tài chính xấp xỉ 500 triệu Euro cho dự án này từ ngân sách công của Pháp, ông Olivier Brochet cho biết.
Được biết, Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có định danh là tuyến số 3.1 được tài trợ từ nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp; Cơ quan Phát triển Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á) và nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách TP. Hà Nội.
Dự án chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km với đường sắt khổ đôi 1.435 m. Hệ thống nhà ga của Dự án gồm 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8) và 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12).
Phương tiện vận tải bao gồm đầu máy toa xe lựa chọn loại kích thước “trung bình”; loại xe B, theo tiêu chuẩn Châu Âu, có chiều rộng từ 2,75 - 3 m; chiều dài đoàn tàu khoảng 80 m (với đoàn tàu 4 toa), khoảng 100 m (với đoàn tàu 5 toa). Số toa của đoàn tàu theo giai đoạn phân kỳ đầu tư từ 4 toa đến 5 toa/đoàn tàu.
Theo Đề án phát triển đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, tuyến đường sắt đô thị số 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở có chiều dài 57,3 km. Đây là tuyến đường sắt đô thị dài nhất ở Thủ đô trong tổng số 15 tuyến đường sắt đô thị dự kiến triển khai trong giai đoạn đến năm 2035.
Tuyến được chia làm 3 phân đoạn, trong đó:
Đoạn tuyến 3.1 Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai xây dựng. Riêng đoạn trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy đã được đưa vào vận hành. Đoạn còn lại đang được thi công xây dựng và dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2027;
Đoạn tuyến 3.2 ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,8 km, chủ yếu đi ngầm, với điểm đầu từ ga Hà Nội, đi đến các ga Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Tam Trinh, Yên Sở. Tổng kinh phí xây dựng tuyến 3.2 ước khoảng 1,753 tỷ USD. Cơ quan Phát triển Pháp và liên minh Châu Âu xem xét tài trợ tuyến metro này.
Đoạn tuyến 3.3 Nhổn - Trôi và kéo dài đi Sơn Tây sẽ đi theo hướng Nhổn - Quốc lộ 32 - Sơn Tây với chiều dài khoảng 36 km. Tuyến 3.3 hoàn toàn đi trên cao dự kiến sẽ có 14 ga với kinh phí xây dựng khoảng 2,88 tỷ USD.