Nhằm tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh đầu cấp, năm học này TP.HCM sẽ ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) trên toàn địa bàn để phân bổ học sinh vào chỗ học gần nhà nhất.
Đặc biệt, việc phân bổ chỗ học cho học sinh chủ yếu dựa vào một tiêu chí là "nơi ở hiện tại" thay vì dựa trên nhiều tiêu chí năm học trước.
ƯU TIÊN TIÊU CHÍ “NƠI Ở HIỆN TẠI”
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2024 - 2025, việc phân tuyến tuyển sinh các lớp đầu cấp chỉ dựa trên tiêu chí chính là "nơi ở hiện tại" của học sinh, thay vì dựa vào nhiều tiêu chí như năm trước về nơi ở, địa chỉ thường trú, chỗ học ở bậc học trước đó.
Ngoài ra, thành phố cũng có thêm phần tuyển sinh theo "lý do khác" để các địa phương chủ động xem xét các trường hợp cụ thể, linh động để phù hợp tình hình thực tế.
Từ kết quả tích cực khi thực hiện thí điểm tại 3 địa phương ở năm trước, năm nay thành phố mở rộng ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp trên toàn địa bàn.
Theo đó, các quận, huyện sẽ dựa vào dữ liệu trên bản đồ GIS để phân bổ học sinh vào học ở trường gần "nơi ở hiện tại" nhất, chứ không nhất thiết phân theo địa bàn phường.
Bên cạnh đó, năm học này TP.HCM thống nhất sử dụng một hệ thống tuyển sinh đầu cấp tại địa chỉ https//tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, chỉ sử dụng một nguồn dữ liệu tuyển sinh của ngành Giáo dục, thay vì mỗi địa phương mỗi hệ thống riêng như năm trước.
Đồng thời, học sinh trong độ tuổi đi học phải được khai báo đầy đủ thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành Giáo dục thành phố và được xác thực đầy đủ với dữ liệu dân cư quốc gia.
Thời điểm này, các địa phương đang rà soát dữ liệu học sinh phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp để đảm bảo tiến độ cũng tránh sự xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp năm nay.
Đơn cử, tại Quận Bình Tân, việc bố trí chỗ học cho học sinh vào đầu cấp năm nay vẫn căn cứ vào đơn vị hành chính cũ, từ năm học 2025 - 2026, địa phương này mới thực hiện theo địa chỉ mới.
Quận Bình Tân cũng là một trong những địa phương chịu áp lực lớn trong công tác tuyển sinh đầu cấp mỗi năm, bởi lượng học sinh luôn tăng cao so với tốc độ xây trường lớp. Dự kiến, tổng số học sinh toàn quận trong năm học tới là 124.237 học sinh, tăng 3.455 học sinh.
MỞ RỘNG KHẢO SÁT VÀO LỚP 6
Năm học 2023 - 2024, TP.HCM chỉ có 2 trường tổ chức khảo sát vào lớp 6 là Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản 1 (thành phố Thủ Đức) và Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (đang có đề án tách thành 2 trường là Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa và Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa).
Những năm học trước đó, chỉ có duy nhất Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa được áp dụng hình thức khảo sát để tuyển sinh lớp 6.
Tuy nhiên, kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024 - 2025 của TP.HCM cho phép tiếp tục mở rộng phạm vi thực hiện tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực ở các trường Trung học Cơ sở theo mô hình tiên tiến, hội nhập; trường có nhu cầu đăng ký tuyển sinh đầu lớn hơn nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.
Dự kiến, năm nay toàn thành phố sẽ có 7 trường tuyển sinh lớp 6 bằng khảo sát. Thành phố Thủ Đức, Quận 7, Quận 8 và huyện Hóc Môn là các địa phương dự kiến sẽ tổ chức kỳ khảo sát này.
Từ kết quả của năm đầu tiên thực hiện thí điểm khảo sát vào lớp 6 Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản 1 ở năm học trước, năm học 2024 - 2025, thành phố Thủ Đức sẽ có thêm 2 trường Trung học Cơ sở tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực là Hoa Lư và Bình Thọ.
Lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố Thủ Đức cũng lưu ý phụ huynh học sinh chọn tham gia khảo sát vào trường gần nơi cư trú nhất để thuận tiện đi học, bởi ba trường này phân bố khá đều trên địa bàn.
Ngoài ra, học sinh không trúng tuyển trong kỳ khảo sát các trường này vẫn được phân tuyến vào các trường gần nhà theo kế hoạch tuyển sinh của địa phương.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, ngoài các trường khảo sát năng lực, các trường Trung học Cơ sở khác trên địa bàn vẫn tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
Quy trình tuyển sinh các lớp đầu cấp năm nay được chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 ưu tiên tuyển sinh học sinh đang cư trú thực tế trên địa bàn; đợt 2 tuyển bổ sung căn cứ vào tình hình tuyển sinh thực tế tại mỗi địa phương.
Sáng 2/5, các thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 bắt đầu đăng ký dự thi chính thức trên Cổng đăng ký trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tính đến 17h chiều 2/5/2024, Hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận có 196.319 thí sinh đăng kí trực tuyến, chiếm khoảng 20% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố tổng đài hỗ trợ thí sinh và điểm tiếp nhận đăng ký dự thi. Trong trường hợp cần thiết, thí sinh có thể liên lạc tới tổng đài hỗ trợ theo số máy 1800 8000, nhánh số 2.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6. Thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên.