Sáng 11/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu của Ban Chỉ đạo 389 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I/2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý hơn 28.000 vụ việc vi phạm, giảm 11,24% so với cùng kỳ 2022; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng, tăng 76,66%; khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng.
Trong tổng số các vụ việc trên, có 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022; gần 25.600 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, giảm 14,54% so với cùng kỳ.
Trong thời gian qua nổi lên hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về nhãn; kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ; làm giả bánh kẹo, bột ngọt, rượu, xăng dầu, thuốc tân dược, mũ phẩm, một số hàng hóa tiêu dùng… phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Về phương thức, thủ đoạn, thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, các đối tượng lợi dụng không khai báo, khai hải quan không đúng với hàng hóa thực tế, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Các đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Các đối tượng cũng lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, vùng biển, đường mòn, lối mở… thuê người vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Trong thị trường nội địa, các đối tượng mua bán, kinh doanh lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, núp bóng các trang mạng xã hội để trà trộn hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; lợi dụng các cửa hàng, kiot, hộ kinh doanh, chợ truyền thống để trà trộn, bày bán công khai hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Việc phát hiện nhiều vụ buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhập lậu trong nội địa thời gian qua cho thấy công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả từ biên giới cần phải được tăng cường hơn nữa.
Các địa phương biên giới phản ánh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trang bị chưa tương xứng với nhiệm vụ; địa bàn rộng, có nhiều đường mòn lối mới; đối tượng buôn lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi, trạng bị vũ khí, rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện; việc phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn có nơi còn rất khó khăn.
Việc điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, nhất là tại các đô thị lớn gặp nhiều khó khăn do đối tượng vi phạm có trình độ hiểu biết cao về công nghệ thông tin, trong khi lực lượng chức năng vừa mỏng vừa chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy tổng hợp, ma túy diễn biến rất phức tạp, trong khi việc cập nhật danh mục những loại ma túy mới của các cơ quan chức năng còn chậm.
Đáng chú ý, việc mua bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không tăng cả về quy mô, số lượng và thủ đoạn, với trên 500 kg bị thu giữ từ đầu năm đến nay liên quan đến gần 60 đối tượng, Tổng cục Hải quan cho biết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua của các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả là nhiệm vụ rất khó khăn do những người thực hiện hành vi vi phạm thu được lợi ích cực kỳ lớn, đồng thời người tiêu dùng thường có xu hướng tìm đến mặt hàng giá rẻ trong lúc khó khăn.
Phó Thủ tướng đánh giá, tình hình về ma túy rất đáng lo ngại, vì người đã sử dụng thường có nhu cầu bức bách, khiến việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy được đẩy lên mức ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải nỗ lực cố gắng, quyết tâm nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết người đứng đầu các lực lượng, đơn vị chức năng phải quản lý cán bộ của mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bảo kê, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Đồng thời, các lực lượng, đơn vị liên quan phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu những lĩnh vực mới mới có đủ năng lực để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.
Các lực lượng, đơn vị liên quan cũng cần phải phối hợp với nhau tốt hơn nữa, trước hết là trong công tác trao đổi thông tin và xử lý từng vụ việc cụ thể; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Đánh giá cao vai trò của truyền thông trong thời gian qua, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để làm sao từng người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, tự kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bởi đây mới là giải pháp căn cơ, cốt lõi để đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đề cập đến những nhiệm vụ cụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên, các địa phương phải thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền.
Trong vòng 10 ngày tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung tổng hợp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong đó nêu rõ cần sửa đổi, bổ sung, hay ban hành mới những nội dung nào để từ đó Văn phòng Ban Chỉ đạo tham mưu cho Ban Chỉ đạo tham mưu phương án xử lý, trước mắt tập trung vào những nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.