Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 1236/TCHQ-GSQL gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan.
CHIA NHỎ LÔ HÀNG ĐỂ XUẤT QUA LỐI MÒN
Lý do để Tổng cục Hải quan ban hành văn bản trên là bởi thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh biên giới diễn ra tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng loại hình tạm nhập nhưng không tái xuất hàng quá cảnh, chuyển khẩu để buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.
Theo đó, trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, thậm chí doanh nghiệp còn rút hàng ra để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. "Qua theo dõi nắm tình hình cho thấy việc thực hiện tại một số đơn vị hải quan không thống nhất, không đúng quy định dẫn đến nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế”, Tổng cục Hải quan nêu trong văn bản nói trên.
Đối với những lô hàng quá cảnh bao gồm các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, mặt hàng có trị giá lớn hoặc hàng cấm nhập khẩu, sau khi lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, các đối tượng sẽ tìm cách đưa trở lại bằng nhiều phương thức khác nhau.
Ngoài thủ đoạn rút ruột container hàng quá cảnh, đối với những lô hàng quá cảnh bao gồm các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, mặt hàng có trị giá lớn hoặc hàng cấm nhập khẩu, sau khi lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, các đối tượng sẽ tìm cách đưa trở lại bằng nhiều phương thức khác nhau.
Do đó, để đảm bảo việc xuất khẩu, tái xuất hàng hóa đúng quy định, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt cán bộ công chức hải quan tại các chi cục hải quan cửa khẩu đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu và hàng hóa gửi kho ngoại quan xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ tại các văn bản số: 3734/TCHQ-GSQL ngày 08/06/2020; 3475/TCHQ-GSQL ngày 09/7/2021; 4182/TCHQ- GSQL ngày 26/8/2021; 1036/TCHQ-GSQL ngày 28/3/2022 và 3361/TCHQ-GSQL ngày 12/8/2022.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh quá cảnh theo đúng quy định tại các Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Campuchia, Lào và Trung Quốc.
Về cửa khẩu xuất đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh và hàng hóa gửi kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu hàng hóa tái xuất, hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất để xuất đi nước ngoài qua cửa khẩu biên giới phải được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo đúng quy định.
“Hàng hóa chỉ được xuất khẩu, tái xuất theo đúng địa điểm xuất hàng, cửa khẩu xuất đã được đăng ký trên tờ khai hải quan, không cho phép thực hiện việc chia nhỏ container, chia nhỏ lô hàng để xuất qua các lối mòn, lối mở, mốc biên giới”, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Tổng cục Hải quan cũng lưu ý công chức hải quan chỉ xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát sau khi toàn bộ lô hàng đã được vận chuyển qua đúng cửa khẩu xuất đã đăng ký với cơ quan hải quan.
GIÁM SÁT CHẶT BẰNG SEAL ĐỊNH VỊ ĐIỆN TỬ
Về hàng hóa tái xuất, xuất khẩu Tổng cục Hải quan yêu cầu phải được vận chuyển trên các phương tiện đáp ứng điều kiện niêm phong, kiểm tra, giám sát hải quan.
Theo đó, container không bị rách vỡ, thủng; tay khóa, chốt có lỗ gắn được seal của cơ quan hải quan; bản lề, tai container đúng theo tiêu chuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 64/2015/TT-BGTVT ngày 05/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với các xe thùng, thùng chứa hàng hóa không bị thủng, rách vỡ, thủng; tay khóa, chốt có lô đảm bảo gắn được seal của cơ quan hải quan.
“Trường hợp container, thùng chứa đựng hàng hóa không đáp ứng điều kiện để niêm phong, giám sát hải quan, chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi không cho phép bốc xếp hàng hóa lên phương tiện đó và không xác nhận đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan”, Tổng cục Hải quan lưu ý.
Về việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, hàng hóa từ kho ngoại quan hoặc từ địa điểm lưu giữ đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất đến cửa khẩu xuất, Tổng cục Hải quan yêu cầu phải được giám sát bằng seal định vị điện tử.
Trong quá trình theo dõi, giám sát qua hệ thống nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quan có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển đi không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa ngay tại cửa khẩu xuất.
Cục hải quan các tỉnh, thành phố đã được cấp phát seal định vị điện tử rà soát, chỉ đạo các chi cục hải quan liên quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác sử dụng seal định vị điện tử theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại các công văn số 5227/TCHQ-GSQL ngày 07/6/2020 và công văn số 7885/TCHQ-GSQL ngày 14/12/2020 của Tổng cục Hải quan về việc chỉ đạo tăng cường sử dụng seal định vị điện tử, chấn chỉnh công chức không thực hiện việc gắn seal định vị.
Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền chỉ đạo các chi cục Hải quan cửa khẩu và các lực lượng kiểm soát hải quan, trực ban, thanh tra nội bộ tăng cường công tác kiểm soát việc thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan tại các khu vực lồi mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi xuất khẩu, tái xuất hàng hóa không đúng cửa khẩu quy định.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan và Trực ban Tổng cục tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, tuân tra, kiểm soát trực tiếp hoặc thông qua hệ thống quản lý seal định vị điện tử, camera giám sát lắp đặt tại các khu vực cửa khẩu.
“Trường hợp phát hiện vi phạm thì ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, cần làm rõ các dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho hàng hóa vận chuyển qua các khu vực này của công chức hải quan cũng như các lực lượng chức năng khác. Tổng cục Hải quan sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý”, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Chính nhờ hệ thống seal định vị điện tử, cơ quan hải quan có một công cụ giám sát hoàn toàn chủ động, tự động sử dụng công nghệ định vị GPS để hỗ trợ cán bộ nghiệp vụ theo dõi, giám sát vị trí container/phương tiện vận tải và đảm bảo nguyên vẹn hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo cho người dùng trong các trường hợp phương tiện đi sai tuyến đường, cảnh báo can thiệp, tác động trái phép seal, cảnh báo di chuyển, dừng đỗ vượt quá thời gian quy định…