Sau thời gian trầm lắng từ năm 2019 đến tháng 4/2022, thị trường ngoại hối của Việt Nam gần đây ghi nhận những đợt sóng. Ghi nhận trên thị trường, kết thúc tháng 7/2022, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,4% so với đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước đã tiêu tốn một lượng ngoại hối lớn mới giữ mức tăng 2,4% như trên. Tính toán từ một số công ty chứng khoán, mức ngoại tệ được bán kỳ hạn và giao ngay ước tính lên tới 11% dự trữ ngoại hối, tức khoảng 12-13 tỷ USD, một trong 5 biện pháp can thiệp lớn nhất trong 20 năm qua của cơ quan điều hành tiền tệ tại Việt Nam.
Theo giới chuyên môn, áp lực mất giá của VND hình thành từ hành động của Fed. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tăng cao khiến Fed buộc phải tăng lãi suất. Mức lãi suất mới làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu chuyển tiền về nước.
Ngoài ra, với tư cách là nước nhập khẩu ròng dầu, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá dầu thô. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 6,9 tỷ USD.
Song song với đó, đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á tiếp tục biến động giảm so với USD. Trong đó, đồng Baht của Thái Lan giảm mạnh nhất từ đầu năm, ở mức 9,42%; còn đồng VND ghi nhận mức giảm thấp nhất, 2,21%. Chính mức giảm ít hơn làm tính đầu cơ trong nước tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định rằng thời gian tới, với việc Việt Nam vẫn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực dương, thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối ở mức cao cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
Còn Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam đánh giá, có 4 yếu tố giúp VND chống chịu được áp lực mạnh lên của đồng USD.
Thứ nhất, trong khi nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng sau giãn cách, trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn 6-7%/năm, lạm phát đã thấp hơn nhiều so với 10 năm qua (bình quân 2,5% trong 6 tháng đầu năm so với 15% giai đoạn 2008-2011).
Thứ hai, liên quan đến dòng chảy ngoại hối, ngoại trừ quý 2/2021 và quý 3/2021 khi xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách nghiêm ngặt trong nước, Việt Nam đã liên tục công bố thặng dư thương mại kể từ năm 2012 với vị thế là nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Điều này có nghĩa là Việt Nam có thể sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn mức tiêu thụ, điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Trong khi đó, FDI và FII cũng tiếp tục chảy vào Việt Nam nhờ 15 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đẩy tài khoản tài chính ròng lên mức cao kỷ lục 31,5 tỷ USD vào năm 2021.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã tích lũy dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 107 tỷ USD vào cuối năm 2021, tương đương với 3,8 tháng nhập khẩu.
Thứ tư, bất chấp sự tồn tại của thị trường ngoại hối tự do, lệnh cấm giao dịch bằng USD trong nước của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2013 đã thực sự cải thiện niềm tin của người dân vào giá trị của VND.
“Cùng với kỳ vọng lạm phát tạo đỉnh vào quý 3/2022; tốc độ tăng lãi suất của Fed chậm lại (mức tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 9/2022 so với mức tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 7/2022; EUR giảm để ổn định; giá dầu thô tiếp tục điều chỉnh, chúng tôi cho rằng áp lực ngoại hối sẽ hạ nhiệt hơn nữa trong những tháng tới và tỷ giá hối đoái tăng đột biến có thể sớm đảo chiều, như trong 6 tháng đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu”, nhóm nghiên cứu tại Chứng khoán Maybank Việt Nam nhận định.
Nhìn chung, một khảo sát mới đây, gần 30 thành viên của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) đến từ các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cùng tin rằng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định. Giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng chỉ 23.386 VND, đồng nghĩa nhích nhẹ so với bình quân thực tế 23.383 VND của tháng 7 vừa qua.