Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2024, tình hình sử dụng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc có sự gia tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, do sự gia tăng cả về số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cũng như sự gia tăng cao của số chi.
Trong cơ cấu chi phí, mức chênh lệch cao nhất so với cùng kỳ năm trước là tiền giường, chiếm 15,8% trong tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số chi tiền thuốc có mức tăng xếp thứ 2 trong cơ cấu 7 yếu tố chi phí, nhưng chiếm tỷ trọng cao nhất, với 31,3% tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Thống kê cũng cho thấy trong năm 2024, tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú có xu hướng tăng cao, với tỷ lệ chung trên troàn quốc là 10,2% bệnh nhân đi khám chữa bệnh.
Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiệu quả trong thời gian còn lại năm 2024, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề xuất một số giải pháp thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trên cơ sở dữ liệu tổng hợp, thực hiện phân tích cơ cấu mua sắm và sử dụng thuốc; cảnh báo các loại vật tư y tế sử dụng nhiều, giá cao…
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc phân tích, cung cấp cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh những cảnh báo về chỉ số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng bất hợp lý, đặc biệt là các phân tích chuyên sâu, mang tính đặc thù của từng cơ sở khám chữa bệnh cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện giám định chuyên đề.
Đồng thời, tổng hợp các sai phạm thường gặp, có tính hệ thống, lặp đi lặp lại phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra để thông báo cho các tỉnh, làm cơ sở tham mưu, kiến nghị phối hợp hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý sai phạm theo quy định.
Đối với Bảo hiểm xã hội các địa phương, yêu cầu cần nhận diện được các vấn đề phải thực hiện trong tối ưu sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế của tháng cuối năm 2024; nâng cao trách nhiệm; thường xuyên giám sát các thông tin cảnh báo và các thông tin khác trên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế để phân tích, đánh giá và tập trung giám định, tổ chức làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng cần chủ động phối hợp với Sở Y tế; thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định dịch vụ kỹ thuật, cận lâm sàng, vật tư y tế… tăng cường phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.
Xây dựng kế hoạch làm việc trực tiếp với các cơ sở còn có tình trạng gia tăng chi phí cao, từ chối thanh toán các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không hợp lý, không đúng quy định.
Vấn đề được quan tâm trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế hiện nay là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua vào chiều ngày 27/11.
Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mức hưởng khi thực hiện thông cấp khám chữa bệnh; cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh; trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị, cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Để việc triển khai Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của ngành chủ động kế hoạch triển khai như: Tham gia xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện; tập huấn cho Bảo hiểm xã hội các địa phương…