Từ ngày 1 đến ngày 22/5, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 10.700 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, theo số liệu thống kê từ Chứng khoán MBS.
TĂNG LƯỢNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP CHẬM TRẢ
Nhóm ngành Ngân hàng tiếp tục tăng huy động qua kênh trái phiếu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng là 4,7% tính đến ngày 21/5), trong đó bao gồm NH TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4,8%), NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (1.5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4,8%) và NH TMCP Hàng Hải Việt Nam (1 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 3,9%).
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 57.100 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 5 tháng đầu năm ước khoảng 9,3%, cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Lũy kế từ đầu năm, Bất động sản vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 25.300 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái chiếm tỷ trọng 44%, lãi suất bình quân gia quyền là 12,3%/năm, kỳ hạn bình quân 2,4 năm.
Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (10 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup – CTCP (10 nghìn tỷ đồng), CT TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).
Xếp sau là nhóm ngành Ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt 19.900 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 400 tỷ đồng), tỷ trọng 35%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: NH TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (5.000 tỷ đồng), NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (4.500 tỷ đồng) và NH TMCP Hàng Hải Việt Nam (3.800 tỷ đồng).
Giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm đáng kể với nhóm ngành ngân hàng chiếm. Trong tháng 5, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 4.2 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 38.4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ chậm trả gia tăng trong tháng trong bối cảnh doanh nghiệp không trả được lãi và gốc khi lượng lớn giá trị trái phiếu đáo hạn tập trung trong quý.
Dưới áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý 2 đặc biệt đè nặng lên với các doanh nghiệp bất động sản khoảng 72 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đáo hạn, trong tháng 5 đã ghi nhận thêm 5 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi chậm trả bao gồm 4 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản khiến cho tổng số chậm trả lên tới 111 doanh nghiệp.
Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 196.800 tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ TĂNG Ở CÁC KỲ HẠN
Đối với trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 23.006 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong kỳ với lợi suất trúng thầu tiếp tục tăng lên tại tất cả các kỳ hạn
Kho bạc Nhà nước đã điều chỉnh giảm giá trị chào bán Trái phiếu Chính phủ so với tháng trước. Trong tháng 5, trong số 39.500 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 23.006 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ trúng thầu 58%, tỷ lệ trúng thầu tiếp tục duy trì ở mức thấp kể từ tháng 3.
Ngày 24/4, Kho bạc Nhà nước thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý 2 với tổng mức phát hành dự kiến là 120 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kỳ hạn 10N và 15N có lượng giá trị phát hành lớn nhất lần lượt là 40 nghìn và 45 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm tới giờ Kho bạc Nhà nước đã phát hành được tổng cộng 125.981 tỷ đồng trái phiếu, hoàn thành được 31% kế hoạch năm và quý 2 mới chỉ hoàn thành được 38%.
Mức lãi suất trúng thầu của các trái phiếu cho thấy đã diễn biến tăng trở lại kể từ đầu năm, trái ngược với diễn biến giảm điểm xảy ra. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 10N và 15N lần lượt là 2,6%/năm và 2,8%/năm. Lợi suất kỳ hạn 5N cũng tăng 19 điểm cơ bản lên mức 1,7%/năm.
Ở thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng trở lại trong tháng tại tất cả các kỳ hạn. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp tăng 15% so với tháng trước. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục cho thấy xu hướng mua ròng 457 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng.
Đường cong lợi suất có xu hướng phẳng dần khi lợi suất kỳ hạn 10N tăng mạnh trong tháng và hiện tại đang ở mức 2,9%/năm, tăng 12 điểm cơ bản so với cuối tháng trước, lợi suất kỳ hạn 10N duy trì xu hướng tăng kể từ đầu năm vượt đỉnh 6 tháng trở lại đây. Lợi suất kỳ hạn 2N cũng đang ở 1,8%/năm, không thay đổi so với cuối tháng trước.
Diễn biến tăng của tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tỷ giá như phát hành tín phiếu, bán vàng và bán ngoại tệ dẫn đến thanh khoản hệ thống trở nên căng thẳng (theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 24/5, cơ quan này đã bán ra tổng cộng 48.500 lượng vàng SJC để bình ổn thị trường).
Điều này dẫn đến các NHTM đồng loạt huy động vốn từ nhiều kênh các khau như vay OMO với mức lãi suất cao. Lãi suất liên ngân hàng hiện nay cũng đã tiệm cận mức 5% và thiết lập mặt bằng mới trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ tại thị trường thứ cấp tăng lên đã thúc đẩy lợi suất tăng kể từ đầu năm trong bối cảnh mặt bằng lợi suất vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường liên ngân hàng.
Giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp hoạt động sôi nổi hơn so với tháng trước với lượng giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 10.6 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với tháng trước. Trong đó, giao dịch outright chiếm 58% khối lượng trong kỳ với hơn 92 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 6,1 nghìn tỷ đồng/ngày, tăng 30% so với bình quân tháng trước. Giá trị giao dịch repos bình quân giảm 0,5% so với tháng trước, với giá trị giao dịch lên tới 4,4 nghìn tỷ đồng/ngày.
Tổng giá trị khối ngoại mua ròng 457 triệu đồng TPCP trong kỳ. Tính đến ngày 23/5 kể từ đầu năm, Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 640 tỷ đồng trong năm.