WHO dự đoán 50% dân số toàn cầu có khả năng bị cận thị vào năm 2050. Thông tin này được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tại lễ Phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng Mắt khỏe ngời sáng tương lai ngày 7/10, tại Hà Nội. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới.
Khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại TP.HCM của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy tỷ lệ trẻ bị các vấn đề về mắt, nhất là cận thị ngày càng tăng cao. Tại Hà Nội, khoảng 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Còn tại TP.HCM, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6% trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.
VIỆT NAM CÓ 5 TRIỆU TRẺ MẮC CÁC TẬT KHÚC XẠ
Tật khúc xạ, gồm cận, viễn, loạn thị... có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, dân văn phòng, người tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Thống kê chung từ Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có 5 triệu trẻ mắc các tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm đa số. Bệnh gặp ở trẻ thành phố nhiều hơn trẻ sống ở quê.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, nhìn nhận cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Điển hình như nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử,... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không sinh hoạt ngoài trời.
"Cận thị hay các bệnh về mắt nói chung làm hạn chế khả năng học tập của trẻ. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, quá trình tiến triển cận thị nhanh, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho nhãn cầu và ảnh hưởng thị lực", PGS Đông nói.
Bác sĩ Lê Thị Kim Chi, Phó trưởng khoa khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết ngoài các yếu tố di truyền, trẻ xem nhiều thiết bị điện tử, ngồi học sai tư thế, học hành nhiều khiến mắt điều tiết liên tục… cũng khiến mắt mắc các bệnh khúc xạ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ thiếu các chất cần thiết như vitamin A, omega 3, vitamin C, canxi... cũng có thể là nguyên nhân.
Để nhận biết con trẻ bị tật khúc xạ, phụ huynh chú ý các dấu hiệu trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng, việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt…
Bác sĩ Kim Chi khuyến cáo, để hạn chế trẻ mắc tật khúc xạ và bệnh tiến triển nhanh, phụ huynh chú ý cho trẻ ngồi học đúng tư thế, bàn ghế phải đúng kích thước, ngồi thẳng lưng, tập vở không sát mắt, ánh sáng đầy đủ. "Các bậc cha mẹ cũng cần có chế độ học hợp lý cho trẻ, cân đối hợp lý giữa chơi và học trong tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. Cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử", bác sĩ Chi nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết một trong những chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh của Bộ Y tế là tăng tỷ lệ học sinh được tầm soát phát hiện giảm thị lực, được kê đơn kính và được hướng dẫn rèn luyện thị lực lên 40% vào năm 2025. Dịp này, chương trình sẽ tổ chức chăm sóc mắt miễn phí cho hàng chục nghìn các em học sinh tại 20 trường tiểu học, mầm non tại Hà Nội và TP.HCM.
GIA TĂNG SAU ĐỢT NGHỈ HÈ
Thực tế, hầu hết các trẻ bị tật khúc xạ khi đến khám tại các cơ sở y tế hiện nay đều có tiền sử lạm dụng các thiết bị công nghệ như ti vi, điện thoại, ipad, máy tính. Đặc biệt, sau đợt nghỉ hè, con số trẻ bị cận thị gia tăng đáng kể. BSCKII. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Những ngày đầu năm học, trung bình 1 ngày khoa tiếp nhận từ 15 - 20 trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận, loạn thị. Con số này tăng từ 4 - 5 lần so với thời điểm trong năm học.
"Thời gian nghỉ hè, nếu ngày nào trẻ cũng xem tivi hoặc dùng máy tính, smart phone quá gần, trong không gian hẹp, thời gian nhiều hơn 3 giờ đồng hồ... thị lực sẽ bị ảnh hưởng, suy giảm nhanh", BSCKII. Phùng Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai phân tích.
“Cận thị bệnh lý đi kèm với nhiều nguy cơ giảm thị lực trầm trọng, thoái hóa võng mạc ở bệnh nhân cận thị nặng tăng có nguy cơ gây đục dịch kính, glôcôm, rách võng mạc, bong võng mạc… người bệnh sẽ phải điều trị phẫu thuật phức tạp hơn, ảnh hưởng rất lớn đến học tập và lao động của người bệnh”.
Bác sĩ Thủy khuyến cáo bố mẹ nên cho con đi khám mắt định kỳ theo độ tuổi, bởi vì có một số nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh bẩm sinh về mắt như: Gia đình có tiền sử mắc bệnh lý về mắt; Trẻ sinh non hay thiếu cân; Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh trong thai kỳ; Trẻ chậm phát triển… Vì vậy, trẻ nhỏ nên được khám mắt lần đầu khi được 6 tháng tuổi, sau đó nên khám định kỳ vào lúc 3 tuổi, 6 tuổi trước khi đi học và mỗi năm học mới. Riêng với trẻ phải đeo kính nên thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
Hiện có nhiều cách để kiểm soát, điều trị tật khúc xạ, tuy nhiên chủ yếu là đeo kính mắt hoặc phẫu thuật. Kính gọng là phương pháp phổ biến, dễ sử dụng, tiện lợi, chi phí hợp lý và thuận tiện thay đổi nhưng dễ quên mang theo, hay gãy hỏng. Kính áp tròng (kính tiếp xúc), phù hợp với lứa tuổi thanh niên, người lớn. Tuy nhiên, việc đeo kính áp tròng cũng có những bất tiện nhất định: tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, dễ gây trầy xước giác mạc, viêm nhiễm trùng nếu không cẩn thận. Kính cũng có thể gây dị ứng ở một số người.
Phẫu thuật khúc xạ hiện có nhiều biện pháp như Lasik, PRK, ReLEs SMILE, Phakic ICL, thay thủy tinh thể và đặt thủy tinh nhân tạo... Mỗi loại phẫu thuật đều mang đến những hiệu quả và ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, ngoài vấn đề chi phí, còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí đánh giá, tình trạng của người bệnh để có những khuyến cáo cụ thể. Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật cũng có những rủi ro ngoài mong muốn, vì vậy người bệnh cần tìm hiểu kỹ và khám chữa, điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa đảm bảo chất lượng và tham vấn ý kiến bác sĩ.