May 09, 2025 | 09:26 GMT+7

Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng gần về mức đỉnh nhưng không tích cực trích lập dự phòng?

Thu Minh -

Điểm đáng chú ý trong quý là các ngân hàng không quá tích cực trong việc trích lập dự phòng nợ xấu mặc dù chất lượng tài sản sụy giảm thể hiện ở việc chi phí tín dụng không tăng đồng bộ với tốc độ hình thành nợ xấu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

SSI Research vừa có cập nhật triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng trong đó nhấn mạnh nếu căng thẳng thương mại leo thang, phân khúc FDI – vốn đem lại thế mạnh cho nhóm Ngân hàng Thương mại Nhà nước với nguồn CASA và vốn huy động bằng USD – dự kiến sẽ gặp áp lực.

TỶ LỆ NỢ XẤU ĐẠT ĐỈNH TRONG NỬA ĐẦU NĂM 2025 SAU ĐÓ GIẢM DẦN

Với việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, các ngân hàng đã đẩy nhanh việc giải ngân tín dụng từ đầu năm. Đáng chú ý, các Ngân hàng Thương mại Nhà nước ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao đạt +3,3% so với cuối năm 2024 tăng 18% so với cùng kỳ, tương phản rõ rệt so với mức tăng tương đối chậm cùng kỳ năm ngoái +1% từ đầu năm, +11% so với cùng kỳ.  Điều này phần nào được hỗ trợ bởi việc mở rộng thị phần trong phân khúc bán lẻ.

Trong khi đó, ở các Ngân hàng Thương mại Cổ phần tăng 3,6% từ đầu năm, +21% so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu vốn lưu động từ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất chế biến chế tạo, logistics, bán buôn bán lẻ & sửa chữa ô tô xe máy và ngành chứng khoán.

Cụ thể, khoản cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản từ đầu năm đã tăng hơn 10% ở một số ngân hàng như TCB (+14,8%), MBB (+12,2%), HDB (+12,3%) và MSB (+10%). Dư nợ cho vay công ty chứng khoán cũng tăng mạnh với mức giải ngân ròng tại TPB, VIB, VPB, MSB và MBB đạt 20,5 nghìn tỷ đồng trong Q1/2025 (so với 18,8 nghìn tỷ đồng trong quý trước).

Trong số các ngân hàng tham gia chuyển giao bắt buộc, tăng trưởng tín dụng trước khi bán các khoản vay cho ngân hàng yếu kém ở mức tương đối cao trong Q1/2025, với VCB (+4,7% từ đầu năm), MBB (+6,4% từ đầu năm) và VPB (+8% từ đầu năm). Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của HDB yếu hơn dự kiến, chỉ đạt +1,2% từ đầu năm, chủ yếu do sự sụt giảm của UPAS LC (-61% từ đầu năm).

Chất lượng tài sản vẫn chịu áp lực. Do trong Q1/2025 không có nhiều tiến triển đối với những dự án bất động sản chưa hoàn thiện về mặt pháp lý và thanh khoản vẫn còn trầm lắng tại thị trường bất động sản TP.HCM.

Một phần các khoản cho vay mua nhà liên quan đã bị chuyển nhóm thành nợ xấu tại một số Ngân hàng Thương mại Cổ phần. Điều này phản ánh tâm lý người mua nhà không muốn thanh toán khoản vay khi thời gian bàn giao dự án vẫn khó có thể xác định, hoặc những người mua để đầu tư không thể bán tài sản khi thanh khoản thị trường không có nhiều khả quan, đặc biệt là tại TP.HCM.

Trong khi đó, các Ngân hàng Thương mại Nhà nước bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu khoản vay đối với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Theo đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu tăng lên 2,46% (so với 0,55% trong Q4/2024), gần về mức đỉnh 2,58% trong Q1/2023. Các khoản vay quá hạn tăng 11,6% so với quý trước, đến từ cả nợ Nhóm 2 (+2,8% so với quý trước) và nợ xấu (+20,4% so với quý trước). ACB (-1 điểm cơ bản so với quý trước) và MSB (-8 điểm cơ bản so với quý trước) là hai ngoại lệ với chất lượng tài sản có sự cải thiện nhẹ.

Điểm đáng chú ý trong quý là các ngân hàng không quá tích cực trong việc trích lập dự phòng nợ xấu mặc dù chất lượng tài sản sụy giảm thể hiện ở việc chi phí tín dụng không tăng đồng bộ với tốc độ hình thành nợ xấu.

Nhìn chung, tỷ lệ hình thành nợ xấu thường tăng trong quý 1 sau khi cải thiện trong quý 4. Tuy nhiên, với môi trường lãi suất thấp và các phương án cơ cấu hỗ trợ khách hàng từ phía ngân hàng, SSI Research cho rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2025 trước khi giảm dần vào nửa cuối năm 2025.

Tỷ lệ hình thành nợ xấu và chi phí tín dụng theo quý.
Tỷ lệ hình thành nợ xấu và chi phí tín dụng theo quý.

NIM GẶP ÁP LỰC Ở NHÓM NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC

NIM chịu áp lực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. NIM giảm xuống 3,16% (-44 điểm cơ bản so với cùng kỳ, -22 điểm so với quý trước) – mức thấp nhất kể từ năm 2016 – 2017. Kể từ cuối năm 2023, các Ngân hàng Thương mại Nhà nước và ngân hàng nước ngoài đã tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi, khiến các Ngân hàng Thương mại Cổ phần cũng phải theo sát để duy trì tính cạnh tranh về lãi suất cho vay.

Theo đó, lợi suất tài sản bình quân trong nhóm ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu đã giảm xuống 6,27% (-71 điểm cơ bản so với cùng kỳ, -27 điểm cơ bản so với quý trước) trong Q1/2025.

Nhờ có nền tảng và cơ cấu vốn tốt, các Ngân hàng Thương mại Nhà nước ít bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh lãi suất hơn so với các Ngân hàng Thương mại Cổ phần quy mô trung bình. Mặc dù bị ảnh hưởng trong thời gian đầu, các Ngân hàng Thương mại Cổ phần quy mô lớn đã dần tối ưu hóa chi phí vốn (CoF) nhờ nền tảng khách hàng tốt cũng như việc ra mắt các sản phẩm huy động hấp dẫn với lãi suất phù hợp.

Do đó, sự sụt giảm của NIM trong Q1/2025 giữa các Ngân hàng Thương mại Nhà nước (-46 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần quy mô lớn (-40 điểm cơ bản) đã không còn quá nhiều khác biệt, trong khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần quy mô trung bình có sự sụt giảm rõ rệt hơn (-61 điểm cơ bản).

Trong thời gian tới, SSI Research cho rằng sẽ có 2 yếu tố lớn ảnh hưởng tới xu hướng NIM của các ngân hàng: Thứ nhất, sự thay đổi bối cảnh cạnh tranh trong trường hợp căng thẳng thương mại leo thang. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, phân khúc FDI – vốn đem lại thế mạnh cho nhóm Ngân hàng Thương mại Nhà nước với nguồn CASA và vốn huy động bằng USD – dự kiến sẽ gặp áp lực.

Trong kịch bản này, lợi thế về vốn của Ngân hàng Thương mại Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng phần nào và do đó, khoảng cách chi phí vốn giữa nhóm Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Ngân hàng Thương mại Cổ phần quy mô lớn có thể sẽ thu hẹp.

Thứ hai, các khoản cho vay mua nhà hết thời hạn ưu đãi lãi suất: Làn sóng cho vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn bắt đầu từ khoảng Q3/2023 và đạt đỉnh
vào giữa năm 2024. Các khoản cho vay này thường có thời gian ưu đãi lãi suất từ 1-3 năm.

Do đó, thời gian ưu đãi lãi suất với nhiều khoản vay dự kiến sẽ dần kết thúc từ cuối năm 2025. Điều này có thể hỗ trợ NIM phục hồi, đặc biệt là đối với các ngân hàng như BID, CTG, TCB, MBB và ACB khi hết thời hạn ưu đãi lãi suất và các khoản vay chuyển sang giai đoạn lãi suất thả nổi.

Căng thẳng thương mại leo thang có thể định hình lại môi trường kinh doanh và thay đổi bối cảnh cạnh tranh trong ngành. SSI cho biết có thể cân nhắc điều chỉnh một số giả định bao gồm giảm NIM (đối với hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ MBB, VPB, TPB), tăng chi phí tín dụng (đối với CTG), giảm giả định thu nhập từ phí đối với các Ngân hàng Thương mại Nhà nước và giảm dự báo chi phí hoạt động đối với các Ngân hàng TMCP.

Trong bối cảnh này, SSI Research vẫn ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, nguồn huy động ổn định cùng cơ cấu thu nhập đa dạng — đặc biệt là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay đối với các hoạt động xuất nhập khẩu ở mức vừa phải. TCB, MBB và CTG hiện là lựa chọn cho nửa cuối năm 2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate