Sáng 11/04, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Tại đại hội, ban lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi với cổ đông nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh doanh, áp lực tỷ giá, đầu tư các sản phẩm mới...
Về kết quả kinh doanh, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, trong quý 1/2024, Hòa Phát ghi nhận 31.000 tỷ doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7 lần cùng kỳ.
Trong năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 10.000 tỷ đồng tăng 47% so với thực hiện năm 2023, chia cổ tức 10%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động và lợi nhuận sau thuế cao nhất từ năm 2022 của Hòa Phát.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hòa Phát nhấn mạnh kết quả kinh doanh năm 2024 của Hòa Phát chưa thể tăng trưởng đột biến dù năm 2022-2023 đã tạo đáy chủ yếu do kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn. Lĩnh vực bất động sản trong đó đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa ấm lên. Ở Mỹ và Châu Âu, FED vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, sau khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỷ đồng và tỷ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu của Tập đoàn, tăng lên từ mức 85-90% những năm qua.
Theo tiến độ, dự kiến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất. Dự kiến cuối năm nay đầu năm 2025 sẽ sản xuất HRC. Năm 2025, ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1. Tổng năng lực sản xuất HRC tăng lên 8,6 triệu tấn.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, nếu Bất động sản Trung Quốc vẫn khó khăn thì doanh nghiệp bán hàng thế nào? Theo ông Thắng, Hòa Phát vẫn duy trì thị phần kể cả lúc khó khăn, thị trường trong nước vẫn là chính. Trong năm 2024 đầu tư công đang được đẩy mạnh và Hòa Phát đang cung cấp thép cho một loạt dự án trọng điểm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn. Với HRC, khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bộ phận xuất khẩu đã tiến hành đi tìm thị trường để có thể bán được số thép đó.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết, Hòa Phát hiện đang nghiên cứu làm tôn silic, làm cho các mô tơ điện, nghiên cứu và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ngoài ra, Hòa Phát sẽ làm thép đường ray.
Về nghiên cứu sản xuất bô-xít và nhôm tại Đăk Nông, Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, thì có thể để cơ hội cho người ta. "Trong 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép, khó để mở rộng sản xuất cả bô-xít với tình hình thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay", ông Long cho biết.
Với mảng sản xuất container, sau mấy năm Covid-19 việc vận tải bị gặp khó khăn nên xây dựng nhà máy gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay công ty đã hoàn thành dây chuyền sản xuất. Năm nay Hòa Phát bắt đầu kiện toàn để có thể sản xuất và năm 2025 đưa vào bán hàng. Đây là mảng kinh doanh có tầm nhìn 20-30 năm chứ không phải theo "trend".
Chủ tịch Hòa Phát cũng thừa nhận: "Ngành thép hiện tại khốc liệt hơn tôi nghĩ rất nhiều". Dù vậy, công ty vẫn dự kiến đầu tư 5 tỷ USD vào dự án thép tại Phú Yên - tương đương Dung Quất 2. "Chúng tôi muốn trở thành một trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Nếu mà chúng ta không thay đổi, không nâng cấp thì sẽ bị đè bẹp", ông Long khẳng định.
Như vậy, chiến lược của Hòa Phát đã có sự thay đổi nhất định. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Chủ tịch Hòa Phát ông Trần Đình Long từng nói: Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản. "Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường, năm vừa rồi chúng tôi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Lúc nào cũng vậy, trước đây, hiện nay và sau này cũng sẽ tìm dự án để M&A và chỉ M&A khi mà chắc chắn có lợi nhuận", ông Long từng nói.