Theo báo cáo tại "Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025" của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2024 thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới.
Ở trong nước, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thẳng thắn chỉ ra rằng dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam còn không ít hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục.
Mặc dù, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, nhưng cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ thương mại điện tại Việt Nam.
Các nền tảng này bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Đặc biệt, bà Oanh cho rằng hoạt động livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, song quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng.
Pháp lý hiện nay chưa có quy định riêng rẽ về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và những vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream…
Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… cũng đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Trước các hạn chế trên, bước sang năm 2025, Oanh cho biết Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho thương mại điện tử.
Đồng thời tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Mặt khác, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. Song song với đó, Cục sẽ tiếp tục xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị khác.