Ugur Sahin trở thành tỷ phú nhờ vai trò chủ chốt trong việc tạo ra vaccine Covid-19 của hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNTech. Tuy nhiên, ông vẫn giữ lối sống giản dị trong một căn hộ chung cư và thậm chí không sở hữu xe hơi riêng.
Khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020, ngành công nghiệp sinh dược đã phản ứng theo một cách chưa từng có tiền lệ. Các công ty lập tức chạy đua tìm giải pháp chống lại loại virus gây nên “cơn ác mộng” cho thế giới, và những loại vaccine đầy hứa hẹn nhanh chóng xuất hiện.
Giá cổ phiếu của những công ty có “ứng cử viên” vaccine tiềm năng đã tăng bùng nổ, và nhiều nhà điều hành các công ty này gấp rút bán cổ phiếu tranh thủ lúc giá cao. Việc bán cổ phiếu ồ ạt đến nỗi Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) phải tăng cường giám sát.
TỶ PHÚ ĐI XE ĐẠP
Vẫn có một ngoại lệ, một người không tranh thủ giá cổ phiếu tăng để bán ra cổ phiếu. Đó là Sahin – Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty công nghệ sinh học BioNTech có trụ sở ở Mainz, Đức. Đi tiên phong về công nghệ mRNA, BioNTech đã bắt tay với Pfizer để phát triển một loại vaccine phòng Covid sử dụng công nghệ này. Tài liệu của SEC cho thấy Sahin đến nay chưa hề bán ra một cổ phiếu BioNTech nào.
Sở hữu tài sản hàng tỷ USD và là một vị CEO, nhưng Sahin vẫn sống trong một căn hộ chung cư khiêm tốn ở Mainz, cách không xa trụ sở công ty. Ông đi xe đạp đến nơi làm việc mỗi ngày và không hề có ô tô riêng.
Việc Sahin giữ cổ phiếu không chỉ đối lập với hành động của nhiều nhà khoa học và doanh nhân sở hữu cổ phần trong các công ty công nghệ sinh học có vaccine Covid. Điều này còn phản ánh dấu ấn phong cách của ông trong cuộc sống và kinh doanh.
Sở hữu tài sản hàng tỷ USD và là một vị CEO, nhưng Sahin vẫn sống trong một căn hộ chung cư khiêm tốn ở Mainz, cách không xa trụ sở công ty. Ông đi xe đạp đến nơi làm việc mỗi ngày và không hề có ô tô riêng. Trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, ông miêu tả bản thân là một giáo sư về ung thư thuộc Đại học Y Trung tâm Mainz.
Sahin cởi mở với sự hào phóng tài chính dành cho sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học – thông qua những cuộc huy động vốn đầu tư mạo hiểm, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và những vụ sáp nhập. Có nguồn tin nói rằng ông đã học về phương diện kinh doanh của công nghệ sinh học từ các bài giảng online và một cuốn sách. Nhưng cuối cùng, ông vẫn giữ cho mình một lối sống khiêm nhường, tập trung cho nghiên cứu khoa học.
Nhận thức được sự cần thiết phải có vaccine để chống lại Covid, Sahin từ một nhà khoa học kín tiếng đã nổi lên thành người giữ vai trò quyết định trong việc mang lại cho thế giới một loại vaccine vượt trội, có thể cứu sống nhiều sinh mạng và kiềm chế sự lây lan của virus.
Ngay từ tháng 1/2020, Sahin đã tin chắc rằng Covid-19 sẽ trở thành một đại dịch và chỉ huy BioNTech tập trung nguồn lực để tạo ra một vaccine bằng công nghệ mRNA chống lại virus corona chủng mới. Sau đó, ông hợp tác với “gã khổng lồ” dược phẩm Mỹ Pfizer để phát triển và đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 cung cấp cho thế giới 3 tỷ liều vaccine.
Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech đã làm thay đổi căn bản cái nhìn của Phố Wall đối với BioNTech. Vài tháng trước đại dịch, Sahin tới New York để chào bán cổ phiếu BioNTech trong cuộc IPO của công ty trên sàn Nasdaq.
Vào thời điểm đó, BioNTech là công ty 10 năm tuổi gần như vô danh, chưa phát triển được một loại thuốc được phê chuẩn nào từ công nghệ mRNA. Sahin nhận được sự tiếp đón lạnh lùng của thị trường chứng khoán Mỹ, và Phố Wall đã dành cho BioNTech mức định giá 3,5 tỷ USD.
Nhưng sau đó, khi vaccine Pfizer-BioNTech thử nghiệm thành công và trở thành vũ khí xuất sắc trong cuộc chiến chống Covid, cổ phiếu BioNTech đã tăng gần như không nghỉ. Mức tăng 1.600% kể từ khi IPO vào năm 2019 cho tới thời điểm hiện tại đưa giá trị vốn hoá thị trường của công ty lên hơn 56 tỷ USD.
Theo những thoả thuận cung cấp vaccine đã được ký tính đến cuối tháng tư năm nay, BioNTech dự kiến đạt doanh thu 11,5 tỷ USD từ vaccine Covid. Đó là chưa kể tới loạt thoả thuận mà các nước giàu, gồm Canada và Liên minh châu Âu (EU), vừa ký mới đây để mua thêm khoảng 2 tỷ liều vaccine Pfizer/BioNTech cho hai năm tới.
Những thoả thuận mới này cho thấy vaccine Pfizer/BioNTech, cùng với vaccine cũng sử dụng công nghệ mRNA của hãng Moderna, đã trở thành vaccine được các nước giàu lựa chọn.
Theo tờ Wall Street Journal, đến hết năm 2022, vaccine Covid dự kiến mang về cho Pfizer/BioNTech 70 tỷ USD doanh thu. Với doanh thu như vậy, vaccine này có thể trở thành một trong những loại thuốc bán chạy nhất mọi thời đại.
NIỀM TIN KIÊN ĐỊNH
Sahin cùng vợ, bà Ozlem Tureci, lập nên BioNTech vào năm 2008. Hai vợ chồng họ đều sinh ra trong gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức. Cha của Sahin làm trong một nhà máy của hãng xe Ford ở Cologne, còn cha của Tureci là một bác sỹ. Khi mở công ty, Sahin giữ vai trò CEO, còn vợ ông là Giám đốc Y khoa.
Trước đó 7 năm, vào năm 2001, cặp vợ chồng này đã lập một công ty công nghệ sinh học khác có tên Ganymed Pharmaceuticals, chuyên về thuốc chữa ung thư sử dụng liệu pháp miễn dịch. Năm 2016, Ganymed được Công ty Nhật Bản Astellas mua lại với giá 1,5 tỷ USD.
Với nguồn lực tài chính từ việc bán Ganymed, vợ chồng Sahin tập trung vào BioNTech, theo định hướng phát triển một loạt liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư. Nghiên cứu của họ tập trung vào mRNA - công nghệ đưa hướng dẫn tới bộ phận tạo ra protein của tế bào.
Sahin cho biết, trong thoả thuận hợp tác với Pfizer, BioNTech “chịu trách nhiệm về sản xuất những lô vaccine dùng trong thử nghiệm lâm sàng”, đồng thời chuyên về tế bào T - một bộ phận chủ chốt của hệ miễn dịch - và “kiểm tra phản ứng miễn dịch của tế bào T đối với vaccine này”. Pfizer chịu trách nhiệm về thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, trong khi BioNTech tiến hành thử nghiệm ở Đức. Tiếp đó, Pfizer tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên toàn cầu, rút ra kết luận vaccine đạt hiệu quả 90% trên thử nghiệm lâm sàng.
Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy vaccine Covid của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả ngừa bệnh 94% ở người trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi, và 64% ở những người đã tiêm một mũi.
Theo ước tính của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, cổ phần của Sahin trong BioNTech hiện có trị giá khoảng 9,4 tỷ USD. Với khối tài sản này, Sahin hiện là người giàu thứ 273 thế giới, và là một trong 100 người giàu nhất ở Đức.
Việc Sahin không bán cổ phiếu BioNTech suốt gần 20 tháng qua không chỉ giúp ông giàu thêm, bởi cổ phiếu này vẫn không ngừng tăng giá, mà còn khẳng định niềm tin kiên định của ông vào công nghệ tiên tiến của công ty trong việc phát triển các liệu pháp và vaccine chống lại các căn bệnh khác.
“Con đường phát triển các công nghệ của chúng tôi không dựa trên ý tưởng về giải pháp cho một vấn đề duy nhất”, Sahin nói trong một cuộc trao đổi với các nhà đầu tư hồi tháng ba. “Thay vào đó, mục tiêu của chúng tôi ngay từ đầu là xây dựng một phương pháp mới mang tính chất toàn ngành về dược phẩm chính xác, để có thể giải quyết nhu cầu về thuốc trong nhiều lĩnh vực bệnh tật”.