Hai tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani và Gautam Adani đã vượt qua các tỷ phú Trung Quốc như Jack Ma trong xếp hạng giàu, do vận may ngược chiều của các “đại gia” đến từ hai nền kinh tế này.
Theo xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông Ambani, Chủ tịch tập đoàn công nghiệp Reliance Industries, đã tăng 6,6 tỷ USD từ đầu năm, đạt hơn 83 tỷ USD. Tài sản của ông Adani, Chủ tịch tập đoàn đầu tư hạ tầng Adani Group, đang có gần 77 tỷ USD tài sản ròng, tăng gần 43 tỷ USD so với đầu năm.
Hai vị doanh nhân này đang là hai người giàu nhất châu Á trong xếp hạng của Bloomberg, vượt lên các gương mặt Trung Quốc gồm tỷ phú nước đóng chai Zhong Shanshan, và hai tỷ phú công nghệ Ma Huateng và Jack Ma. Các tỷ phú Trung Quốc này lần lượt chiếm vị trí 3, 4, và 5 về độ giàu ở châu Á.
Tờ Financial Times nói rằng sự vượt lên của các tỷ phú Ấn Độ phản ánh sức mạnh ngày càng lớn của các tập đoàn hàng đầu nước này. Đại dịch Covid-19 bóp nghẹt những công ty nhỏ hơn ở Ấn Độ và khiến các nhà đầu tư cổ phiếu không còn nhiều lựa chọn khi đặt cược vào sự phục hồi kinh tế.
Cổ phiếu của Reliance Industries và Adani Group đồng loạt tăng mạnh ngay cả khi làn sóng Covid thứ hai nhấn chìm Ấn Độ. Chỉ số Nifty 50 theo dõi giá cổ phiếu của 50 công ty lớn nhất Ấn Độ đã tăng khoảng 10% kể từ mức đáy hồi tháng 4, do giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu trong nước.
Ông Ambani hiện là người giàu thứ 12 thế giới, theo Bloomberg Billionaires Index, xếp ngay sau cựu Tổng giám đốc (CEO) Steve Ballmer của hãng phần mềm Mỹ Microsoft. Ông Adani đứng ở vị trí 14.
Tỷ phú Zhong, với khối tài sản gần 71 tỷ USD và là người giàu nhất Trung Quốc, xếp thứ 15 trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Ma Huateng (hơn 60 tỷ USD) xếp thứ 20, và Jack Ma (49 tỷ USD) đã tụt xuống vị trí 27.
Ông Saurabh Mukherjea, nhà sáng lập Marcellus Investments Managers, nói rằng sự thăng hặng của hai tỷ phú Ấn Độ nói trên còn cho thấy một sự thật rằng lợi nhuận kinh doanh ở Ấn Độ ngày càng tập trung vào một số ít những nhà tư bản công nghiệp nổi trội ở nước này – những người được gọi là “người khởi xướng” (promoter).
“Những người khởi xướng trước đây chỉ có phạm vi ảnh hưởng ở từng vùng nhất định, nhưng giờ đây họ có thể sải cánh trên phạm vi toàn quốc”, ông Mukherjea nói. “Sự kết hợp giữa vốn đầu tư cổ phần tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm, và vốn huy động từ thị trường chứng khoán đang cháp cánh cho họ, và chúng ta chứng kiến sự phân cực giàu nghèo ngày càng lớn”.
Trong suốt nhiều năm, các tỷ phú Trung Quốc luôn ở “chiếu trên” trong xếp hạng giàu ở khu vực châu Á, nhờ sự tăng trưởng bùng nổ của những tập đoàn công nghệ như Alibaba và Tencent.
Nhưng gần đây, những cái tên nổi bật nhất trong làng công nghệ Trung Quốc đã bị ảnh hưởng mạnh bởi Chính phủ nước này siết chặt kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh của các hãng công nghệ lớn.
Sau kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thất bại của công ty công nghệ tài chính Ant Group vào tháng 11 năm ngoái, Jack Ma gần như không xuất hiện trước công chúng. Khối tài sản của ông đã giảm gần 1,7 tỷ USD từ đầu năm.