May 16, 2018 | 16:44 GMT+7

Ứng dụng Big Data trong hoạt động marketing

Ánh Tuyết

Nguồn tài nguyên giá trị nhất của thế giới bây giờ không còn là dầu mỏ, mà là kho dữ liệu số đang tăng lên với cấp độ lũy thừa mỗi ngày

Big Data là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp làm kinh doanh, nhưng họ cần phải chú ý hơn đến cách nhìn nhận của mình về Big Data và công dụng, đặc biệt là bộ phận marketing.
Big Data là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp làm kinh doanh, nhưng họ cần phải chú ý hơn đến cách nhìn nhận của mình về Big Data và công dụng, đặc biệt là bộ phận marketing.

Sự am hiểu và vận dụng về Big Data (dữ liệu lớn) của nhiều doanh nghiệp Việt còn ở giai đoạn chập chững, thậm chí là mơ hồ và không biết phải bắt đầu từ đâu.

Các đại biểu tại hội thảo "Ứng dụng Big Data trong hoạt động marketing của doanh nghiệp" do Trường Doanh nhân Pace tổ chức tại Hà Nội ngày 14/5 cho rằng, các doanh nghiệp ở Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để tận hưởng những lợi ích của Big Data, bằng việc lập kế hoạch thực hiện các chiến lược marketing và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc phân tích sâu những dữ liệu lưu trữ khách hàng.

Chưa biết tận dụng lợi thế từ Big Data

Theo ông Trương Thanh Cường, thành viên Ban Chuyên môn của Pace, thông qua thu thập dữ liệu, một doanh nghiệp có thêm thông tin để nâng cấp sản phẩm của mình, thu hút thêm người dùng, từ đó lại có thêm dữ liệu và quy trình theo đó lặp lại, tăng tiến. 

"Việc tiếp cận dữ liệu lớn cũng giúp các tập đoàn "phòng vệ" tốt hơn trước những đối thủ theo một cách riêng", ông Cường nhấn mạnh. Vấn đề thật sự không nằm ở việc doanh nghiệp thu thập dữ liệu mà là doanh nghiệp dùng Big Data để làm gì. 

Theo ông Cường, có bốn lợi ích mà Big Data có thể mang lại, đó là cắt giảm chi phí; giảm thời gian; tăng thời gian phát triển; và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định đúng và hợp lý hơn.

Từ lượng dữ liệu khổng lồ mà các doanh nghiệp thu thập trong lúc khách hàng ghé thăm và tương tác với website của mình, thông qua đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu được sở thích, thói quen của khách hàng cũng gián tiếp giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn. 

"Chỉ cần doanh nghiệp biết khai thác một cách có hiệu quả Big Data thì không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho chính họ mà còn tăng trải nghiệm mua sắm của người dùng. Người dùng có thể tiết kiệm thời gian hơn nhờ những lời gợi ý so với việc phải tự mình tìm kiếm" ông Cường cho hay. 

Big Data là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp làm kinh doanh, nhưng họ cần phải chú ý hơn đến cách nhìn nhận của mình về Big Data và công dụng, đặc biệt là bộ phận marketing. Tuy nhiên, mặt trái của Big Data là sự độc quyền của một số tập đoàn lớn như Google, Facebook, Amazon... 

"Các dữ liệu về hành vi người dùng đang được khai thác triệt để nhằm tối ưu hóa lợi ích cho các tập đoàn. Nhưng liệu quyền riêng tư cá nhân có được đảm bảo hay mục đích thu thập dữ liệu chỉ phục vụ kinh doanh" ông Cường nêu rõ.

Cũng theo ông Trần Trí Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần WMS, với lợi thế dân số trẻ, trên 90 triệu người, dân số sử dụng internet cao, Việt Nam được xem là thị trường Big Data tiềm năng hàng đầu châu Á và đang là đích ngắm của nhiều nhà cung cấp giải pháp Big Data như Microsoft, IBM, Oracle... Những mô hình kinh doanh mới dựa trên Big Data đang được hình thành để giúp các doanh nghiệp tận dụng dữ liệu. 

Trong khi Google, Facebook hay Amazon đang làm giàu nhờ vào kho dữ liệu khổng lồ đã dày công thu thập mà vẫn cố gắng có thêm nhiều thông tin từ người dùng thì khả năng khai thác Big Data của các doanh nghiệp Việt đang kém so với nhiều nước. 

"Phần lớn các doanh nghiệp sở hữu khối lượng dữ liệu Big Data hàng đầu Việt Nam chưa tư duy về dữ liệu" – ông Dũng nhấn mạnh "các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng lợi thế từ Big Data bởi chưa nhận thấy hết lợi ích mà nó mang lại". 

Bên cạnh đó, việc xử lý dữ liệu Big Data của nhiều doanh nghiệp còn lúng túng do thiếu nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này.

Đặt ra những mục tiêu rõ ràng

Để giúp chiến dịch marketing khai thác hiệu quả sức mạnh của Big Data, ông Trương Thanh Cường cho rằng, cần khuyến khích các công ty công nghệ có những đầu tư thích đáng để các doanh nghiệp về sáng tạo công nghệ có điều kiện phát triển, chủ động tham gia vào lĩnh vực Big Data. 

Đồng thời, cần có chiến lược đào tạo nhân sự chất lượng cao cho lĩnh vực này để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia làm chủ công nghệ Big Data và tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại.

Để tận dụng tốt Big Data, "chiến dịch marketing phải tập trung tối đa vào những dự định và mục tiêu của mình, nghĩa là phải chọn lọc những thông tin đáng được quan tâm và chấp nhận bỏ qua những thông tin khác" ông Cường cho hay. 

Tính kỷ luật là chìa khóa để khai thác sức mạnh của Big Data. Vì nếu không, doanh nghiệp sẽ bị quá tải bởi những số liệu có thể được tạo ra từ việc thu thập những thông tin không cần thiết. doanh nghiệp phải đặt ra những mục tiêu và cột mốc thời gian rõ ràng cho việc khai thác Big Data. 

Nhờ xác định rõ mục tiêu cũng như thời gian thực hiện, doanh nghiệp mới có thể tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đầu tiên, sau đó thực hiện riêng lẻ hoặc song song mục tiêu thứ hai là tăng trưởng khách hàng.

Đồng ý quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia của Công ty Tư vấn quản lý OCD về marketing và quản trị chiến lược cho rằng, "việc thiết lập mục tiêu giúp doanh nghiệp dễ đạt được hiệu quả marketing theo từng giai đoạn như dự kiến và đảm bảo những kết quả đo lường thực sự kịp thời và có giá trị". 

Những mục tiêu này còn giúp doanh nghiệp xác định chính xác những dữ liệu cần thiết. doanh nghiệp phải tự tin khi sử dụng dữ liệu để đưa ra những quyết định marketing mang tính chiến lược. 

Và để đánh giá chất lượng dữ liệu, doanh nghiệp phải dựa vào nguồn dữ liệu, thời điểm thu thập cũng như độ chính xác của chúng.

Nếu sử dụng những "dữ liệu rác" hoặc những dữ liệu chưa được phân tích, tổng hợp đầy đủ thì những kết quả hoặc dự báo đưa ra dựa trên những dữ liệu này sẽ không đáng tin cậy.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate