Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Tại tờ trình dự thảo, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, để triển khai Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải là cần thiết và đủ cơ sở pháp lý.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức rà soát hệ thống Thông tư thuộc thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái đảm bảo phù hợp với Nghị định số 56/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể, dự thảo thông tư sửa đổi cụm từ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam” bằng cụm từ “Cục Đường bộ Việt Nam” tại 18 khoản tại các thông tư thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Đồng thời, sửa đổi cụm từ “Vụ Quản lý phương tiện và Người lái” thành cụm từ “Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái” tại các thông tư.
Liên quan đến công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan để điều chỉnh phần mềm sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên phạm vi toàn quốc.
Trong tháng 11/2022, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe và camera giám sát kinh doanh vận tải; triển khai cabin điện tử; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên công dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục thử nghiệm phần mềm tiếp nhận và quản lý dữ liệu giám sát thời gian, quãng đường học lái xe trên đường của học viên.
Liên quan đến việc trang bị, sử dụng cabin đào tạo lái xe ô tô, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các sở giao thông vận tải hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô tại địa phương nghiên cứu, triển khai các trình tự, thủ tục hợp quy thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe - cabin học lái xe theo quy định tại Nghị định 132/2008 của Chính phủ.
"Các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô gửi hồ sơ công bố hợp quy để Cục Đường bộ Việt Nam công bố sản phẩm đủ điều kiện trước khi cung cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe", Cục Đường bộ yêu cầu.
Các sở giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở đào tạo theo dõi các doanh nghiệp đã được công bố có sản phẩm hợp quy trên trong thông tin điện tử của Cục.
Căn cứ vào công bố này, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô theo lộ trình được quy định tại Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông vận tải.
Theo quy định, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin điện tử tập lái, nhằm nâng cao kỹ năng và phản xạ trong điều kiện địa hình, cung đường, thời tiết, tình huống giao thông khác nhau cho học viên từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình đồi núi, cao tốc.
Đồng thời, phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường học viên mới được thi sát hạch lái xe.
Trong năm 2022, Cục Đường bộ Việt Nam triển khai 3 nội dung ứng dụng công nghệ trong đào tạo, sát hạch lái xe để nâng cao chất lượng. Đó là giám sát thời gian và quãng đường học của học viên thông qua phần mềm; từ ngày 1/6 thi sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; trước ngày 31/12, các cơ sở đào tạo lắp cabin tập lái.